Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong 03 năm qua, cấp ủy của nhiều địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm tổ chức quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW và Kế hoạch số 120-KH/TU; qua đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nhận thức rõ hơn về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh và các cấp, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh có sự đổi mới về phương pháp nghiên cứu. Chất lượng phát hành các tập sách lịch sử ngày càng nâng lên. Các tập sách lịch sử đã xuất bản đảm bảo tính khoa học và thể hiện rõ những nội dung đặc trưng của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ tỉnh. Công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng được tăng cường, nhất là trong trường học. Kinh phí, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử ở các cấp cơ bản được đáp ứng.
Thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 20-CT/TW và Kế hoạch số 120-KH/TU góp phần nâng cao nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và tính đặc thù của nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử; từ đó, đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các đơn vị chưa hoàn thành theo tiến độ của Kế hoạch số 120-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời phải đảm bảo chất lượng của tác phẩm, xác định mốc thời gian cụ thể để hoàn thành các tác phẩm; có sự phân công, hỗ trợ phù hợp để các xã thực hiện các công việc liên quan đến biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của các địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị tăng cường số hóa và đưa tác phẩm lên mạng Internet, nhất là các trang thông tin điện tử của địa phương, đơn vị. Tăng cường đổi mới trong phương pháp nghiên cứu, biên soạn, tiếp tục nâng cao chất lượng các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, lịch sử Đảng trong toàn xã hội, với nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng. Chú ý tăng cường giáo dục truyền thống trong trường học, giáo dục cho thế hệ trẻ, cho học sinh, sinh viên. Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống các cấp.