Thời gian qua, công tác truyền thông, giáo dục dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được tập trung đẩy mạnh, triển khai sâu rộng, thường xuyên ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cộng đồng nhân dân. Nội dung truyền thông tiếp tục chuyển trọng tâm từ chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển; chú trọng quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới. Công tác truyền thông DS-KHHGĐ đã chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, thực hành của các nhóm đối tượng trong việc thực hiện các hành vi có lợi về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ), góp phần nâng cao chất lượng dân số, phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, điều chỉnh tốc độ tăng dân số và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với tình trạng già hóa dân số.
Công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ; trong đó: Đã khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh quy mô dân số, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 14‰ (năm 2005) xuống còn 8,8‰ (năm 2019); tỷ lệ sinh con thứ 3 từ 21,7% (năm 2005) giảm còn 14,6% (năm 2019); mức sinh giảm rõ rệt qua từng năm; số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh và đạt mức sinh thay thế từ năm 2009 (2,04 con/phụ nữ); tổng tỷ suất sinh của tỉnh năm 2019 là 1,91 con/phụ nữ; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng là 7,5% (mức bình quân của cả nước 5,5%); tỷ suất tử vong mẹ là 11,2/100.000 trẻ sinh ra sống thấp so với toàn quốc là 14,2/100.000 trẻ sinh ra sống. Tuổi thọ trung bình đạt 74,5 năm, cao hơn mức bình quân của cả nước 0,9 năm. Tỷ lệ “nhóm phụ thuộc từ 0 - 14 tuổi” giảm mạnh, chiếm 25%; nhóm từ 15 - 64 tuổi chiếm 68,2%; nhóm từ 65 tuổi trở lên chiếm 6,8%. Những kết quả này góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện mục tiêu giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ vẫn còn một số hạn chế, đáng lưu ý là: Tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh còn cao 112 bé trai/100 bé gái (năm 2019). Tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh đạt thấp. Hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân chỉ dừng lại ở việc tư vấn, cung cấp kiến thức, thông tin, chưa đi sâu vào việc khám sức khỏe. Hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số địa phương, nhóm đối tượng còn hạn chế; nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào KHHGĐ.
Để thực hiện tốt kế hoạch truyền thông dân số giai đoạn 2020 - 2025, góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển, tích cực vận động, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số; phấn đấu đạt mức sinh thay thế; giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh dần đưa về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với tình trạng già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường cung cấp thông tin về dân số và phát triển cho các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các sở, ban, ngành, nhất là công tác xây dựng, thực hiện và đánh giá, bám sát chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch về dân số và phát triển. Tổ chức các cuộc hội thảo, báo cáo chuyên đề, tổ chức các diễn đàn, đối thoại về dân số và phát triển trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tổ chức lồng ghép các nội dung dân số và phát triển vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước.
Các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành tích cực tham gia truyền thông về dân số và phát triển; tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp, tập trung xây dựng các mô hình, hoạt động truyền thông toàn diện các nội dung về dân số và phát triển. Hàng năm, phối hợp tổ chức tập huấn, trao đổi chuyên đề, giao lưu, tọa đàm, hội thi, hội thảo, biên soạn bản tin, tài liệu truyền thông... cho các thành viên, hội viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên cơ sở và các nhóm đối tượng do các sở, ban, ngành, đoàn thể quản lý. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Thôn, khu phố không có người sinh con thứ ba trở lên”. Tổ chức các sự kiện truyền thông gây ấn tượng, thu hút đông đảo các đối tượng tham gia nhân Ngày Dân số thế giới, Ngày Quốc tế trẻ em gái, Ngày Quốc tế người cao tuổi, Ngày Dân số Việt Nam, Tháng hành động quốc gia về dân số…
Tiếp tục đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về dân số và phát triển có chất lượng, đổi mới về nội dung và hình thức. Cung cấp trang thiết bị, phương tiện truyền thông phù hợp cho cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác truyền thông về dân số và phát triển, ưu tiên tuyến cơ sở.
Đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi về dân số và phát triển; lồng ghép nội dung truyền thông dân số và phát triển vào các chương trình giải trí, thể thao, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập trung khai thác, phát triển và tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông khác.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp trong hệ thống dân số các cấp; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số, y tế cơ sở nhằm hình thành và duy trì bền vững hành vi tích cực về dân số và phát triển trong các tầng lớp nhân dân. Tổ chức các cuộc thi, hội nghị biểu dương, hội thảo, mít tinh, tuyên truyền cổ động, diễu hành, nói chuyện chuyên đề nhân các ngày kỷ niệm về dân số. Duy trì và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn nhóm, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số, nhân viên y tế thôn, bản. Định kỳ tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng truyền thông, cập nhật thông tin về dân số và phát triển cho đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, bản. Đẩy mạnh tuyên truyền tạo phong trào cho nhân dân thường xuyên luyện tập thể dục - thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, nhất là phụ nữ mang thai, trẻ em và người cao tuổi.
Mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với trẻ vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới....
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông; huy động sự tham gia, đóng góp phương tiện, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho công tác truyền thông về dân số và phát triển; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động truyền thông về dân số và phát triển.
Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ truyền thông trong hệ thống dân số và cán bộ truyền thông, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên ở các ngành, các cấp. Cung cấp thông tin, cập nhật về dân số và phát triển, chính sách, pháp luật mới ban hành; hướng dẫn nội dung truyền thông ưu tiên, thông điệp chuẩn của vấn đề, chủ đề về dân số cho các cơ quan truyền thông đại chúng, các cán bộ truyền thông dân số các cấp thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn, các chuyến đi thực tế.
Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật; chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình truyền thông về dân số và phát triển.