Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng GRDP nhóm ngành nông - lâm - thủy sản bình quân đạt 2,53%; tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - thủy sản trong GRDP giảm từ 39,17% (năm 2015) xuống 29,49 (năm 2020), phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng, diện tích cây lâu năm từ 33,36% (năm 2015) tăng lên 37,75% (năm 2020); hệ số sử dụng đất lúa tiếp tục tăng. Thanh long - cây trồng chủ lực của tỉnh tăng nhanh về diện tích, đã hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn được 10.500 ha. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư mở rộng, nhất là thủy lợi, góp phần đưa diện tích lúa được tưới chủ động lên 71%. Bước đầu đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Chăn nuôi chuyển dần từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, kiểm soát môi trường và dịch bệnh, dự kiến năm 2020 sẽ cung ứng hơn 60.000 tấn thịt hơi các loại, tăng 37% so năm 2015. Chủ trương khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần được đẩy mạnh; sản lượng khai thác hải sản bình quân hàng năm trên 200.000 tấn, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020. Tôm giống Bình Thuận tiếp tục phát huy lợi thế, giữ vững thương hiệu. Chế biến thủy sản phát triển ổn định, hiện có 14 doanh nghiệp được cấp code xuất khẩu thủy sản tại các thị trường khó tính, góp phần đưa thủy sản Bình Thuận có mặt trên 71 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉnh đã quy hoạch và đang kêu gọi đầu tư vào vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 2.000 ha tại huyện Bắc Bình; hình thành khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong với quy mô 90 ha; đến nay, toàn tỉnh có 03 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được nhân dân đồng tình hưởng ứng, toàn tỉnh có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, về trước 01 năm kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, vượt 11 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020 và tỉnh Bình Thuận đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Tuy nhiên, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh còn chậm, tăng trưởng chưa bền vững. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn yếu, chưa lan tỏa rộng rãi. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chưa nhiều, khả năng cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản còn yếu, thị trường nhỏ lẻ. Phát triển nuôi hải sản trên biển chưa tương xứng với tiềm năng. Tình trạng vi phạm Luật Thủy sản còn diễn biến phức tạp, nhất là các nghề cấm đánh bắt tại vùng ven bờ và việc đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Để thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025 và kế hoạch cơ cấu lại các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; trong đó, xác định rõ các vùng sản xuất tập trung đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế của tỉnh, làm cơ sở xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ (vùng lúa hữu cơ, vùng điều hữu cơ, vùng bắp hữu cơ, vùng cây ăn quả các loại hữu cơ, vùng rau đậu hữu cơ, vùng chăn nuôi hữu cơ, vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ . . . ) và xây dựng đề án phát triển vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa bàn có điều kiện thuận lợi. Cùng với đó, xây dựng phương án phát triển hạ tầng thủy lợi, thủy sản và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, đề xuất đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, phục vụ chiến lược phát triển tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển nông thôn bền vững.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trước hết là tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực thi các chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giới thiệu cho người dân tiếp cận các kết quả, các mô hình phát triển và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao có chất lượng, hiệu quả, an toàn.
Thứ ba, ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu cao, áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp, tiêu chuẩn VietGAP đối với cây trồng chủ lực thanh long, điều, lúa, bắp, một số cây ăn quả, có giá trị kinh tế cao, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn, hiệu quả. Đưa giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, tập trung vào một số loại vật nuôi chủ lực như: bò, lợn, gia cầm với quy mô công nghiệp; tăng cường ứng dụng các chế phẩm sinh học, các loại thức ăn chăn nuôi, vắc-xin trong chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh. Chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi hải sản trên biển gắn với chế biến, tạo giá trị gia tăng cao. Phát huy hiệu quả khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá. Triển khai các biện pháp phù hợp để bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái vùng ven bờ, hải đảo. Tiếp tục giữ vững uy tín, chất lượng, thương hiệu tôm giống Bình Thuận gắn với phát triển vùng sản xuất tôm giống tập trung, ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả.
Thứ tư, thực hiện tốt các chủ tương giao đất lâu dài cho người dân sử dụng ổn định, thúc đẩy tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường, thực hiện dồn điền, đổi thửa hình thành những mảnh đất có diện tích lớn; khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa các nông hộ để phát triển sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn. Sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Thứ năm, thực hiện tốt các chính sách tín dụng, các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp. Xác định các vùng có tiềm năng, thế mạnh về sản xuất các loại nông sản hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất. Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và các nguồn lực của tỉnh để đầu tư các công trình thủy lợi theo quy hoạch, đa mục tiêu.
Thứ sáu, xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao kết hợp phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp sinh thái, làm cơ sở để rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình có hiệu quả.
Thứ bảy, thực hiện tốt công tác quản lý đầu vào của sản xuất hữu cơ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công ngệ cao, nhất là giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản; quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào được sử dụng trong sản xuất và quản lý nguồn nước phục vụ sản xuất; quản lý các quy trình canh tác cây trồng, quy trình chăm sóc vật nuôi và thủy sản. Đồng thời, quản lý tốt đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bảo đảm khi lưu thông trên thị trường phải có chứng nhận, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, lôgô sản phẩm tương ứng với tiêu chuẩn đã được chứng nhận.
Thứ tám, xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững, tập trung thực hiện việc xây dựng nông thôn mới nâng cao ngay từ đầu giai đoạn, làm cơ sở từng bước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đạt mục tiêu đề ra, góp phần cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, miền núi, vùng ven biển và hải đảo. Tổ chức rà soát toàn diện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của cấp huyện và cấp xã, bảo đảm tất cả các công trình đầu tư phục vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt tiêu chí phải được đưa vào kế hoạch đầu tư công.