Chỉ số PCI là sự cảm nhận của các doanh nghiệp đánh giá về môi trường kinh doanh đầu tư cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh, phản ánh chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Nhìn lại kết quả trong những năm gần đây, chỉ số PCI của tỉnh liên tục tăng (năm 2016: 58,2 điểm; năm 2017: 63,34 điểm; năm 2018: 64 điểm; năm 2019: 65,33 điểm); điều này cho thấy, sự cảm nhận của các doanh nghiệp đánh giá về môi trường kinh doanh của tỉnh tương đối ổn định; phản ánh chất lượng điều hành kinh tế, sự năng động, sáng tạo và nỗ lực cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt của lãnh đạo tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2019, trong 10 nội dung được khảo sát, đánh giá, có 6/10 tiêu chí tăng điểm, 3/10 tiêu chí giảm điểm, 01/10 tiêu chí bằng điểm so với năm 2018; xét về thứ bậc, có 03/10 tiêu chí tăng bậc, 07/10 tiêu chí giảm bậc.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và đúng hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã tạo chuyển biến tích cực và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo tỉnh đã triển khai rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm; triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm, liên kết ngành, chuỗi giá trị, kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết với thị trường quốc tế. Thông qua đối thoại với doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Nhờ đó, tiêu chí tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh trong năm 2019 đều tăng so với năm 2018.
Đối với tiêu chí số cạnh tranh bình đẳng, tỉnh Bình Thuận đạt 6,83 điểm, đứng thứ 19, tăng 03 bậc, tăng 0,82 điểm. Tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, đúng quy định của pháp luật; kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh về đào tạo, tư vấn, thông tin thị trường được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo. Tỉnh đã triển khai tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia các hiệp hội trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm triển khai như: xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm lợi thế của tỉnh, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tập huấn kiến thức pháp luật và hội nhập, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Nhờ đó, tiêu chí dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp Bình Thuận tăng 07 bậc so với năm 2018.
Tuy nhiên, có 07 chỉ tiêu giảm bậc (gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự). Tuy lãnh đạo tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhưng việc chồng lấn với quy hoạch dự trữ, khai thác sa khoáng titan làm cho việc tiếp cận về đất đai của doanh nghiệp còn khó khăn; tinh thần trách nhiệm, tính năng động, mối quan hệ, phối hợp của một số sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chưa tốt, chưa đồng bộ, chưa thật sự đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Để cải thiện tốt môi trường đầu tư và kinh doanh năm 2020 và những năm tiếp theo, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo phát huy những kết quả đạt được trong các tiêu chí tăng bậc, tăng điểm, khắc phục, cải thiện những tồn tại, hạn chế các tiêu chí giảm điểm, giảm bậc. Đồng thời:
- Triển khai thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình hành đồng của Ủy ban nhân dân tỉnh về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giải ngân các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm tra kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan hành chính Nhà nước, công bố kịp thời, đầy đủ các tài liệu về quy hoạch, kế hoạch, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, các tài liệu về pháp lý trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của đơn vị, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định của pháp luật.
- Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và đẩy nhanh triển khai các thủ tục, thi công các công trình trọng điểm, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp nhận thông tin và tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch Covid-19; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021; Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ nhằm hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
- Tiếp tục thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các thông tin khác liên quan đến đất đai trên các phương tiện thông tin truyền thông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin; rà soát công bố công khai quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình gắn liền với đất, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đăng ký quyền sử dụng đất; xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm trong việc quy định thêm thủ tục, hồ sơ, không thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính.
- Tổ chức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động, gắn đào tạo nghề cho lao động với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ trong công tác đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động; thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động; hiện đại hóa và chuẩn hóa các cơ sở đào tạo nghề.
Mong rằng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, chỉ số PCI của tỉnh năm 2020 và những năm tiếp theo sẽ không ngừng được cải thiện tích cực, góp phần đưa nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển ngày càng bền vững và năng động hơn nữa.