Từ cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các nhóm đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ để tổ chức các hoạt động vay không thế chấp, kinh doanh tài chính, góp vốn, tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100 - 300%, thậm chí lên đến 700%/năm) nhằm thu lợi bất chính. Các hình thức “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng thường gắn liền với hành vi đòi nợ thuê có tính chất côn đồ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật do các băng nhóm tội phạm, các đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người vay nợ, gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân.
Trước tình hình đó, ngày 16/11/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU về đấu tranh phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 489/KH-UBND, ngày 29/11/2018 chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê có tính chất côn đồ trên, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Tiếp đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND, ngày 11/6/2019 triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và Quyết định số 2899/QĐ-UBND, ngày 13/11/2019 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và các hoạt động kinh doanh tài chính, “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP, ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm;… bằng nhiều hình thức phong phú như: Đăng tải tin, bài, phóng sự trên Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Bản tin Tư pháp, Cổng thông tin điện tử tỉnh, các trang thông tin điện tử của các sở, ngành, mạng xã hội Facebook,…; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh ở cấp xã; phổ biến trực tiếp cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; đồng thời, cung cấp đường dây nóng của cơ quan chức năng để người dân tham gia tố giác tội phạm cho vay lãi nặng. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân “không vay tiền, không liên quan, không tiếp tay hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê hoạt động trên địa bàn”, kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động cho vay vốn.
Các lực lượng chức năng đã thành lập Tổ liên ngành kiểm tra, xử lý các hành vi viết, vẽ, phát tán tờ rơi quảng cáo liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; thành lập 10 đoàn tiến hành kiểm tra 179 lượt đối với 133 cơ sở kinh doanh dễ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi cho vay lãi nặng, đã phát hiện 06 cơ sở vi phạm, xử lý vi phạm hành chính đối với 263 cá nhân. Công an các đơn vị, địa phương đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đối với 160/299 đối tượng nghi hoạt động “tín dụng đen”; đã phát hiện, xử lý 57 vụ/287 đối tượng liên quan, đã khởi tố 08 vụ/14 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 42 vụ/252 đối tượng, đang xác minh, làm rõ 06 vụ/14 đối tượng, thu giữ hơn 45.000 tờ rơi, nhiều giấy tờ, sổ sách, hàng trăm bản photo sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, giấy phép lái xe, hóa đơn tiền điện, … và trên 65 loại hung khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện có liên quan. Bên cạnh đó, các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đã tăng cường phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn xử lý các hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng.
Nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt bằng nhiều biện pháp; đến nay, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê có tính chất côn đồ đã cơ bản được kiềm chế, nhiều đối tượng đã ngưng hoạt động, rời địa phương, một số ít đối tượng còn lại chuyển sang hoạt động lén lút, không còn công khai như trước đây.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen” còn một số hạn chế, khó khăn; vẫn còn một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn nhưng khó tiếp cận những kênh tín dụng chính thống hoạt động theo quy định của pháp luật, trong khi thủ tục cho vay “tín dụng đen” rất đơn giản, nhanh gọn; công tác quản lý nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự còn thiếu chặt chẽ; các quy định của pháp luật hiện hành đối với việc xử lý các hành vi cho vay lãi nặng còn nhiều bất cập.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 24/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 34-CT/TTg, ngày 16/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đấu tranh phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là trong quản lý cư trú và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Hai là, các lực lượng chức năng phải tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện các đối tượng chuyên cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê; tiếp tục rà soát, đấu tranh, xử lý các đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.
Ba là, các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đẩy mạnh công tác phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật,…
Bốn là, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng và tác hại của việc vay tiền ngoài các tổ chức tín dụng hợp pháp.
Năm là, các cơ quan Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm loại tội phạm này. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, góp phần loại bỏ hoạt động “tín dụng đen”, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững, ổn định cuộc sống, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.