Qua 05 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, số hộ đạt Gia đình văn hóa tăng từ 227.478 hộ năm 2011 lên 261.990 hộ năm 2015, chiếm tỷ lệ 90,5% so với tổng số hộ trong toàn tỉnh (trong đó tỷ lệ Gia đình văn hóa vùng đồng bằng 91,4%; vùng miền núi 90%); năm 2011 có 337 điểm đạt danh hiệu “Thôn - Khu phố văn hóa” chiếm tỷ lệ 47,9%, năm 2015 có 544 điểm đạt danh hiệu “Thôn - Khu phố văn hóa” chiếm tỷ lệ 77,2% (trong đó, tỷ lệ Thôn - Khu phố văn hóa vùng đồng bằng 80,5%, miền núi 74,6%). Số lượng “Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa” tăng từ 93,3% năm 2011 lên 94,7 năm 2015 (trong đó cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vùng đồng bằng đạt tỷ lệ 87,1%; vùng miền núi đạt tỷ lệ 88,7%)...
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011 - 2015 đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận và các đoàn thể cũng như được sự đồng thuận hưởng ứng đông đảo của cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, đều khắp. Toàn tỉnh đã bình xét công nhận, tôn vinh, khen thưởng được hơn 7.670 gương “Người tốt, việc tốt”, thật sự là những tấm gương sáng để mọi người trong cộng đồng tôn vinh, học tập. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đi vào thực chất hơn, tỷ lệ hộ đạt Gia đình văn hóa tăng từ 84,8% năm 2011 lên 90,5% năm 2015. Rất nhiều hộ gia đình giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của dân tộc, gương mẫu trong giao tiếp ứng xử, giáo dục con cháu hiếu thảo, chăm ngoan, học giỏi, công tác tốt, biết tương thân tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, trở thành những tấm gương sáng, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Phong trào xây dựng thôn, khu phố văn hóa ngày càng rộng khắp, tỷ lệ thôn, khu phố đạt danh hiệu “Thôn - Khu phố văn hóa” tăng từ 47,9% năm 2011 lên 77,2% năm 2015. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện đạt chuẩn văn hóa được duy trì, góp phần xây dựng môi trường làm việc văn minh, kỷ cương, dân chủ, thân thiện. Thông qua việc thực hiện Phong trào, quyền làm chủ của nhân dân, trách nhiệm công dân và cộng đồng dân cư được khơi dậy, truyền thống đoàn kết được phát huy, môi trường văn hóa được cải thiện, làm thay đổi diện mạo nông thôn và đô thị; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày được cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua việc thực hiện các nội dung của Phong trào, các cộng đồng dân cư đã phát huy được sức mạnh nội sinh trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống tinh thần, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện, ổn định trật tự an toàn xã hội. Nhiều địa bàn đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động; môi trường xã hội có sự thay đổi theo hướng tích cực, đời sống của nhân dân ngày càng cải thiện và từng bước được nâng lên. Nội dung, tiêu chí phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động, phong trào khác thông qua các hoạt động “xóa đói giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”, “dân số - kế hoạch hóa gia đình”, “phổ cập giáo dục”, “phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội”, “bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn”, “xây dựng thiết chế văn hóa”, “xây dựng và bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp”, “xây dựng nếp sống văn hóa”, “xây dựng nông thôn mới”… đã có tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nên nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần lưu ý là: Công tác tuyên truyền vận động thực hiện các nội dung của Phong trào chưa thường xuyên, sâu kỹ, từ đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa tích cực hưởng ứng thực hiện Phong trào. Việc bình xét, công nhận các danh hiệu phong trào có lúc, có nơi thực hiện chưa đúng quy trình, chưa dân chủ, khách quan, còn chiếu lệ nên kết quả công nhận danh hiệu có nơi còn hình thức, không thực chất. Một số ít hộ gia đình còn tư tưởng xem nhẹ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và chịu tác động không nhỏ của mặt trái nền kinh tế thị trường. Phong trào tuy mở rộng và phát triển nhưng chưa thực sự bền vững, chưa đồng đều giữa các vùng, miền trong tỉnh. Việc thực hiện Phong trào ở khu vực bãi ngang ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực đông dân di cư có điều kiện sống khó khăn kết quả đạt còn hạn chế. Việc duy trì danh hiệu Thôn - Khu phố văn hóa ở một số nơi chưa thật sự ổn định lâu dài; một số địa bàn dân cư vẫn còn tỷ lệ sinh con thứ 3 vượt mức quy định, tệ nạn ma túy, phạm pháp hình sự ở một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số thành viên trong Ban chỉ đạo Phong trào ở các cấp chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Sự gắn kết, phối hợp chỉ đạo thực hiện giữa các cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo và các ngành, đoàn thể thành viên ở một số địa phương chưa chặt chẽ. Thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở và thôn, khu phố còn bất cập, thiếu trang thiết bị và phương tiện hoạt động, chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Công tác nắm thông tin, báo cáo định kỳ của nhiều địa phương chưa theo đúng thời gian quy định và nội dung hướng dẫn của Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh.