Hai năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn. Đẩy mạnh các hình thức, biện pháp tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần nâng cao nhận thức cho các tâng lớp nhân dân. Lực lượng chức năng đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp nắm tình hình, mở nhiều đợt cao điểm trấn công, trấn áp các loại tội phạm, tập trung địa bàn phức tạp; qua đó, đã phát hiện, đấu tranh và xử lý hầu hết vụ việc vi phạm về ma túy; đặc biệt, nhiều vụ án ma túy lớn đã được triệt phá, có tác dụng răn đe, giáo dục chung.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế: Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy chưa đạt yêu cầu. Trên thực tế, tội phạm và tệ nạn ma túy không kiềm chế được mà ngày càng gia tăng phức tạp và với phạm vi rộng hơn; theo thống kê hiện nay 10/10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có hoạt động tội phạm ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy, tập trung ở thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Tuy Phong…; có 97/127 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Đối tượng sử dụng ma túy ngày càng tăng và lây lan trong học đường, xuất hiện cả trong một số thanh niên vùng dân tộc thiểu số; có trên 70% số người nghiện ở độ tuổi thanh, thiếu niên, phần lớn không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thường xuyên tụ tập sử dụng ma túy. Mặt khác, tính chất phức tạp hơn, không chỉ sử dụng ma túy, nghiện ma túy mà còn tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Tình trạng trồng cần sa chưa giảm. Các đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy có hành vi chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Số vụ vi phạm, số đối tượng nghiện ma túy tăng lên đáng quan tâm trong hơn 2 năm qua. Chỉ tính riêng từ tháng 11/2015 đến tháng 8/2016, số vụ vi phạm, số đối tượng nghiện ma túy tăng trên 60%. Thực trạng trên là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình hình tội phạm trên địa bàn, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng chủ yếu là do: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở nhiều nơi chưa đúng mức. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể nhiều nơi chưa đồng bộ, còn xem phòng, chống ma túy là nhiệm vụ của lực lượng chức năng. Các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm, tội phạm ma túy chưa đủ mạnh; mặt khác, các biện pháp cai nghiện ma túy tại cộng đồng hiệu quả chưa cao.
Thời gian tới, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu “Kiềm chế, đẩy lùi vi phạm, tội phạm ma túy”, thiết nghĩ các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được xác định theo Chương trình hành động số 28-NQ/TU và Kết luận số 586-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chương trình, kế hoạch và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống ma túy đã ban hành trong thời gian qua.
Các cấp ủy, chính quyền tăng cường đúng mức sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn quản lý, xem đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung thực hiện. Tổ chức đánh giá lại tình hình phòng, chống ma túy trên địa bàn, tìm ra nguyên nhân, từ đó xây dựng kế hoạch với những biện pháp cụ thể, sát hợp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả. Trong đó cần chú ý xác định cụ thể địa bàn cần tập trung, nắm chắc đối tượng, nhất là đối tượng đang cai nghiệm và nghi nghiện ma túy; phân công trách nhiệm và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từng cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống ma túy trên địa bàn. Định kỳ hàng tháng, trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ phải nghe báo cáo tình hình, kết quả đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo tiếp theo. Nghiên cứu đưa công tác phòng, chống ma túy trở thành một trong những tiêu chí để nhận xét, đánh giá, xếp loại đảng viên và phân loại tổ chức cơ sở Đảng, Mặt trận và các đoàn thể.
Các ngành liên quan, nhất là Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các địa phương để chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động toàn xã hội tham gia thực hiện phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, trong đó cần lưu ý: Tiếp tục đẩy mạnh các hình thức, biện pháp tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy trong các tầng lớp nhân dân, tập trung những địa bàn phức tạp, trường học, địa bàn ven biển và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiên trì vận động số đối tượng nghiên ma túy tích cực cai nghiện và tự giác cai nghiện; gắn với hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các đối tượng sau cai nghiện sớm tái hòa nhập cộng đồng và có việc làm ổn định. Động viên, giao trách nhiệm cho từng gia đình có con em nghiện và nghi nghiện ma túy có biện pháp quản lý, giáo dục con em mình. Đồng thời, động viên nhân dân phát huy trách nhiệm trong việc giám sát, phát hiện, phản ảnh, tố giác các trường hợp vi phạm liên quan đến ma túy cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường các biện pháp nắm chắc tình hình, quản lý chặt địa bàn, đối tượng (kể cả đối tượng nghi nghiện ma túy); coi trọng đúng mức công tác phòng ngừa; đẩy mạnh đấu tranh triệt phá, tập trung những địa bàn phức tạp và đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy. Các cơ quan chức năng tập trung điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án ma túy nhằm răng đe, giáo dục và phòng ngừa chung.