TIN MỚI NHẤT

Một số kết quả thực hiện chính sách tín dụng trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Bình Thuận

Chính sách tín dụng trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, nông thôn là một trong những chính sách có vai trò quan trọng, thiết yếu, góp phần thực hiện cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, nông thôn của đất nước ta theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp tỉnh Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực đề ra các giải pháp để cụ thể hóa Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các Quyết định số 899/QĐ-TTg, Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Chương trình hành động số 20-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI)mthực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương về nông  nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 2670/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, ngành Ngân hàng Bình Thuận bên cạnh việc mở rộng mạng lưới hoạt động, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn có nhiều cơ hội trong việc lựa chọn tổ chức tín dụng (sau đây gọi tắt là TCTD) vay vốn, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đã tập trung đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cơ chế, chính sách, kết nối doanh nghiệp, người dân với ngân hàng; phối hợp các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương và triển khai cho vay thông qua các tổ, nhóm, nhất là vùng sâu, vùng xa; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh huy động vốn, công khai các sản phẩm tín dụng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng, trong đó quan tâm tập trung vốn vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội và Đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương; đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; cho vay đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp; cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67; hỗ trợ các cơ sở sản xuất gạch thủ công khi di dời, chuyển đổi công nghệ; hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp vào các cụm công nghiệp; hỗ trợ phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản; xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ (điều chỉnh và gia hạn thời hạn trả nợ); tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay, điều chỉnh giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức lãi suất hiện hành; xem xét miễn, giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của TCTD; không thu lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau đối với các khoản nợ đến hạn mà khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ; xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả… Với những nỗ lực to lớn trên đã đem lại nhiều kết quả tích cực, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ trên toàn địa bàn, nguồn vốn tín dụng cung ứng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không ngừng tăng qua các năm (Năm 2013 đạt 4.897 tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng dư nợ; năm 2014 đạt 5.846 tỷ đồng, chiếm 26,29% tổng dư nợ; năm 2015 đạt 12.486 tỷ đồng, chiếm 46,5% tổng dư nợ. Đến 31/8/2016, dư nợ đạt 14.250 tỷ đồng, chiếm 49,44% tổng dư nợ, tăng 291% so với năm 2013), trong đó tập trung cho vay phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cho vay các sản phẩm lợi thế của địa phương (cây cao su, cây thanh long, tôm giống; chế biến thuỷ sản, du lịch…). Các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn được TCTD cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi 7%/năm (chiếm 66% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn), được cơ cấu thời hạn nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ hoặc cho vay mới đối với trường hợp gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, được xem xét cho vay không có đảm bảo bằng tài sản (hiện chiếm khoảng 32% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn); được khoanh nợ, xóa nợ trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng... Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện phát triển mô hình sản xuất có hiệu quả (chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình cánh đồng lúa năng suất cao…), phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác. Bên cạnh việc hỗ trợ vốn phát triển sản xuất kinh doanh, các TCTD trên địa bàn còn cho vay phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn như điện, đường, trường, trạm, vệ sinh môi trường. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, đường sá, nhà cửa như được khoác lên mình chiếc áo mới, tươm tất, sạch sẽ, góp phần “thay da đổi thịt” tại các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tín dụng ngân hàng đối với khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn trước hết, đó là việc phát triển, mở rộng mạng lưới ngân hàng trên địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa còn chậm, hiện nay chủ yếu là Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và các Quỹ Tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn nông nghiệp nông thôn; một số cơ chế chính sách hỗ trợ về nông nghiệp, nông thôn tuy được ban hành nhưng chưa triển khai thực hiện như chính sách bảo hiểm cây trồng vật nuôi không phát triển mở rộng được, việc cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất là cây lâu năm (cao su, thanh long, nhãn, xoài...)  chưa triển khai thực hiện; môi trường sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp không ổn định, chi phí sản xuất gia tăng, giá cả nông sản bấp bênh, không tương xứng với chi phí đầu tư sản xuất; địa bàn hoạt động rộng, hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, một bộ phận khách hàng sản xuất chưa hiệu quả, sử dụng vốn vay không đúng mục đích.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thiết nghĩ trong thời gian tới các cấp, các ngành trong tỉnh mà chủ lực là ngành Ngân hàng phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp và công khai chi tiết quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn tại các điểm giao dịch nhằm tạo điều kiện cho người dân nắm bắt, tiếp cận thụ hưởng chính sách, cũng như trong việc xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh; tiếp tục bám sát các chương trình, đề án hỗ trợ nông nghiệp, nguồn vốn hỗ trợ của Hội Sở chính, nhất là nguồn vốn nhận tài trợ, ủy thác từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nhà nước (khi cần thiết) để mở rộng cho vay nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất với Hội Sở chính trong việc cải cách quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản, mục đích cho vay phù hợp với nhu cầu thực tế với khách hàng ở nông thôn; các TCTD trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cơ sở trong việc củng cố phát triển các Tổ liên doanh vay vốn và Tổ tiết kiệm vay vốn; Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn quy định cụ thể loại cây lâu năm được cấp giấy chứng nhận tài sản gắn liền trên đất là vườn cây lâu năm, hồ ao nuôi thủy sản, đồng muối... theo quy định tại Nghị định 43/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai; khuyến khích phát triển mở rộng mạng lưới hoạt động phòng giao dịch xuống các địa bàn nông nghiệp, nông thôn gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn; thực hiện tốt việc khoanh nợ, xóa nợ do thiên tai, dịch bệnh hoặc nguyên nhân khách quan, bất khả kháng gây ra theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hy vọng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn của tỉnh nhà sẽ đi đúng hướng theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh sẽ hoàn thành theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP