TIN MỚI NHẤT

Đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận - Thực trạng và giải pháp

Những năm qua, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, cùng với sự cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh; các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh đã có sự phát triển về số lượng và quy mô; thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động tại các địa phương.

Thực trạng…

Cùng với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, người lao động đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cụ thể hóa, triển khai thực hiện, đạt được một số kết quả tích cực. Đời sống văn hóa, tinh thần của lực lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy có đông công nhân, người lao động nói riêng và công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh nói chung từng bước được quan tâm hơn; hệ thống thiết chế văn hóa đang dần được hoàn thiện; các hoạt động, phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí... cho công nhân, người lao động được tổ chức nhiều hơn với các hình thức đa dạng, phong phú.

Tuy nhiên, một bộ phận công nhân, người lao động chưa được hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần tương xứng với thành quả lao động; hệ thống các thiết chế văn hóa, các công trình phúc lợi phục vụ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, trong từng cơ sở sản xuất và ở nhiều địa phương phát triển chưa đồng bộ so với sự hình thành các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có đông công nhân, người lao động; một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, người lao động, cũng như chưa quan tâm xây dựng môi trường văn hóa nơi làm việc. Mặc khác, đặc điểm các khu công nghiệp, các nhà máy, cơ sở sản xuất có đông công nhân, người lao động của tỉnh hiện nay đang trong quá trình hình thành, còn phân tán; lực lượng công nhân, người lao động chủ yếu sinh sống rãi rác tại các địa bàn.

Giải pháp đặt ra…

Nhằm góp phần xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, người lao động theo tinh thần Chỉ thị số 52-CT/TW, ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần quan tâm triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, người lao động; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, của toàn xã hội; xác định trách nhiệm, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy có đông công nhân, người lao động nói riêng và công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh nói chung. Các cấp chính quyền và các ngành liên quan cần tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” theo Quyết định số 1780/QĐ-TTg, ngày 12/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó cần chú ý rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương; tăng cường huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân, người lao động. Các cấp, các ngành có liên quan cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, vận động xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì chế độ đối thoại giữa chính quyền với các hiệp hội doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp; duy trì chế độ giao ban định kỳ giữa Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh với chủ doanh nghiệp nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo tiền đề để thực hiện quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động với các tổ công tác liên ngành nhằm nắm chắc tình hình của từng doanh nghiệp, sớm phát hiện mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động để có biện pháp giải quyết kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra tranh chấp giữa công nhân, người lao động với các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng đình công, lãn công. Tổ chức Công đoàn các cấp cần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động nâng cao trình độ kiến thức, tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, trách nhiệm trong lao động sản xuất, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước; đa dạng hóa các phương thức tập hợp, thu hút công nhân, người lao động tham gia tổ chức công đoàn; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động. Các cơ quan thông tin, truyền thông cần phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nội dung, kế hoạch tuyên truyền phù hợp với các loại hình doanh nghiệp, đối tượng công nhân, người lao động về xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh tại nơi làm việc; kịp thời ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin sai trái gây tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP