TIN MỚI NHẤT

Cần tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Bình Thuận phát triển bền vững

Tỉnh Bình Thuận có vị trí thuận lợi để liên kết phát triển du lịch với các địa phương thuộc khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Với bờ biển dài 192 km; có đảo Phú Quý; có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, cùng với môi trường tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, tham quan dã ngoại, du lịch thể thao giải trí trên biển, trên đồi cát, du lịch mạo hiểm, thám hiểm hệ động, thực vật dưới biển, du lịch văn hóa, tín ngưỡng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa và các lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Katê, lễ hội Dinh Thầy Thím, lễ hội rước đèn Trung thu… 

Một gốc đảo Phú Quý (Ảnh: Minh Hòa)

Du lịch được xác định là lợi thế, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Thuận. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Các quy hoạch du lịch ven biển từ huyện Hàm Tân đến huyện Tuy Phong cơ bản đã hoàn thành. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, tỉnh đã rà soát, điều chỉnh việc chồng lấn giữa quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch nuôi trồng thủy sản, quy hoạch phát triển 3 loại rừng và quy hoạch khoáng sản; đồng thời, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tỉnh đã triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cụ thể, tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, quản lý đất đai, xây dựng… góp phần phát triển du lịch của tỉnh.

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã huy động nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch với tổng số vốn 127,8 tỷ đồng, đã đầu tư nâng cấp các tuyến đường ven biển, các tuyến đường trọng điểm phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục chuẩn bị đầu tư dự án kè chống xói lở bờ biển khu vực Hàm Tiến; dự án kè chống lũ gắn với cải tạo môi trường sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết; cùng với đó, các công trình cung cấp điện, nước sạch, dịch vụ viễn thông, xử lý rác thải, nước thải… được triển khai đầu tư nâng cấp, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch.

Biển Mũi Né, Phan Thiết (Ảnh: Minh Hòa)

Thời gian qua, tỉnh đã thu hút đầu tư, khai thác tối đa tài nguyên du lịch biển tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, Tiến Thành (Phan Thiết), Tân Thành (Hàm Thuận Nam), Hòa Thắng (Bắc Bình). Toàn tỉnh hiện có 388 dự án du lịch đã được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 6.183 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư 54.072 tỷ đồng; trong đó, đầu tư nước ngoài có 23 dự án du lịch và 15 dự án dịch vụ du lịch. Loại hình du lịch dã ngoại, vui chơi giải trí, tham quan tại các khu du lịch ven biển đã thu hút nhiều du khách nội địa trong dịp hè, lễ, Tết và dịp cuối tuần. Các điểm tham quan được đầu tư nâng cấp, phát triển thêm các dịch vụ phục vụ du khách. Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực khai thác tài nguyên du lịch nhân văn để phát triển loại hình du lịch tín ngưỡng. Thông qua các lễ hội truyền thống đã thu hút được nhiều du khách hành hương tín ngưỡng kết hợp tham quan du lịch, nhất là tại thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, xã Bình Thạnh - huyện Tuy Phong. Các sản phẩm du lịch hội nghị (mice), du lịch sinh thái,… từng bước được đầu tư khai thác. Hệ thống cơ sở lưu trú tiếp tục phát triển, chất lượng ngày càng được nâng lên. Toàn tỉnh hiện có 417 cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt động với 13.124  phòng, 315 biệt thự và 557 căn hộ du lịch. Đã xếp hạng 209 cơ sở lưu trú với 8.773 phòng, trong đó có 03 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 28 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao, 16 cơ sở 3 sao có, 31 cơ sở đạt 2 sao, 39 cơ sở đạt 1 sao... Đồng thời, có 47 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành. Các loại hình dịch vụ du lịch như: ăn uống, mua sắm, spa, vui chơi giải trí, thể thao biển, lướt ván buồm, lướt ván diều, dù lượn, môtô địa hình, vận chuyển hành khách… phát triển khá tốt, đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến tham quan, du lịch tại Bình Thuận.

Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức, hiệu quả mang lại ngày càng tốt hơn. Hàng năm, trên cơ sở bám sát chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch, tỉnh đã tổ chức tham gia các sự  kiện du lịch lớn ở nước ngoài và một số trung tâm du lịch lớn ở trong nước; đồng thời, chủ động tổ chức nhiều sự kiện trong tỉnh nhằm tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch của tỉnh, góp phần định vị và phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận.

Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường. Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh; các ban quản lý khu, điểm du lịch được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động; đã thành lập Phòng Thông tin hỗ trợ du khách và thiết lập “đường dây nóng” để tiếp nhận, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho du khách. Tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Công tác triển khai, hướng dẫn thực hiện pháp luật về du lịch được thực hiện kịp thời; giải quyết thủ tục hành chính về du lịch theo hướng đơn giản hóa; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh du lịch được chú ý; việc bảo đảm môi trường du lịch, an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát giá cả, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho du khách được tăng cường.

Hải đăng Kê Gà, Hàm Thuận Nam (Ảnh: Minh Hòa)

Lực lượng lao động trực tiếp làm việc ngành du lịch của tỉnh tăng bình quân 12,3%/năm; hiện có 14.000 người; trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý về du lịch chiếm 1,85%, lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch chiếm 86,45% (bình quân 0,92 người/buồng phòng); lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn du lịch, ăn uống, mua sắm ở các khu, điểm du lịch chiếm 11,7% tổng số lao động du lịch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch ngày càng tăng; năm 2015 đạt khoảng 60% trong tổng số nhân viên nghiệp vụ làm việc ở các doanh nghiệp du lịch. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh đã ban hành Chỉ thị về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh trong thời gian tới.

Để phát triển du lịch bền vững, việc liên kết phát triển du lịch là một  trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Bình Thuận quan tâm. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã liên kết, hợp tác du lịch với các tỉnh Lâm Đồng,  thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, thành phố Hà Nội…; đã ký kết triển khai Chương trình liên kết tam giác phát triển du lịch “Bình Thuận - Lâm Đồng - thành phố Hồ Chí Minh”, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thông qua đó, các doanh nghiệp lữ hành đã thực hiện nhiều tour du lịch kết nối Bình Thuận với Lâm Đồng, với các sản phẩm du lịch đa dạng mang nét đặc trưng núi rừng - biển, đặc biệt là các tour du lịch gắn liền với các sự kiện văn hóa, xã hội của mỗi địa phương; cùng thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá đặc biệt cho các tour liên kết, góp phần thúc đẩy tăng trưởng về lượng du khách tham gia các tour tham quan, du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận.

Bằng nhiều biện pháp tích cực từ năm 2011 đến nay, lượng du khách đến Bình Thuận tăng bình quân 10,95%/năm, trong đó du khách quốc tế tăng bình quân 12,79%/năm, khách nội địa tăng bình quân 10,75%/năm. Năm 2015, toàn tỉnh đón được 4.200.100 lượt, tăng 11,7% so với năm 2014, trong đó du khách quốc tế đạt 455.000 lượt khách, tăng 13,4%. Sáu tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đón khoảng 2.173.000 lượt du khách, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó du khách quốc tế đạt khoảng 271.000 lượt, tăng 25,3%. Du khách quốc tế đến Bình Thuận chiếm từ 11 - 12%, chủ yếu là du khách Nga, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Thái Lan, Pháp, Hà Lan, Úc... Chi tiêu bình quân của du khách nội địa khoảng 0,802 triệu đồng/ngày/người, tăng bình quân 9,6%/năm; chi tiêu của du khách quốc tế khoảng 2,594 triệu đồng/ngày/người, tăng bình quân 10,1%/năm. Doanh thu du lịch của tỉnh tăng bình quân 24,78%/năm; năm 2015 đạt 7.642 tỷ đồng, tăng 18,46% so với năm 2014; sáu tháng đầu năm 2016 đạt 4.417 tỷ đồng, tăng 19,11% so với cùng kỳ năm 2015. GRDP du lịch của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 6,04%/năm. Năm 2015, GRDP du lịch chiếm 7,62% trên tổng số GRDP của tỉnh.

Hòn Bà, La Gi (Ảnh: Minh Hòa)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Bình Thuận phát triển chưa mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; loại hình, sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Chưa thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tạo động lực phát triển du lịch; số dự án du lịch chưa triển khai hoặc triển khai cầm chừng còn nhiều. Chưa giải quyết tốt mâu thuẫn giữa du lịch và các ngành kinh tế khác; trong đó, hoạt động khai thác titan, chế biến hải sản… đã tác động, gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu và yếu; hạ tầng giao thông đối ngoại chưa được cải thiện; thiếu nguồn lực đầu tư các công trình văn hóa (bảo tàng, thư viện, trung tâm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, các khu vui chơi giải trí…) để phục vụ nhu cầu của du khách. Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển; thiếu đội ngũ quản lý kinh doanh du lịch giỏi, chuyên nghiệp. Chất lượng dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch còn nhiều hạn chế.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để ngành du lịch Bình Thuận phát triển bền vững, góp phần thực hiện tốt Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, thiết nghĩ cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch theo hướng phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc phát triển kinh tế du lịch và bảo vệ môi trường du lịch; tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, cần có chủ  trương thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho các địa phương có nguồn lực đẩy mạnh phát triển du lịch. Quan tâm đầu tư hoàn thành hệ thống giao thông đối ngoại của tỉnh như: Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc  Phan Thiết - Nha Trang, sân bay Phan Thiết… tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa tỉnh Bình Thuận với các trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tiếp tục tạo điều kiện phân bổ nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng tập trung, có trọng điểm, tạo điều kiện cho tỉnh Bình Thuận sớm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu du lịch quốc gia Mũi Né; quan tâm hỗ trợ tỉnh Bình Thuận đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa gắn với du lịch (bảo tàng, nhà hát...) và thực hiện Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, tạo nền tảng để du lịch Bình Thuận thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP