TIN MỚI NHẤT

Lối ra nào cho phát triển điện gió?

Phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng là hướng đi đúng được nhiều nước trên thế giới khuyến khích đầu tư. Bởi lẽ phát triển điện gió là tận dụng tiềm năng, lợi thế của mỗi quốc gia nhờ nguồn cung sẵn có, thân thiện môi trường và bền vững. Bình Thuận là tỉnh “nhiều gió”, “nhiều nắng”, có tiềm năng phát triển điện gió. Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận được phê duyệt phát triển điện gió với tổng công suất lên đến 2.500 MW; chiếm hơn 40% tổng công suất điện gió của cả nước. Tuy nhiên, việc đưa điện gió vào sản xuất với quy mô lớn và sử dụng phổ biến đang còn nhiều khó khăn.

Điện gió gặp khăn khó cốt lõi là do giá đầu ra thấp. Giá mua điện gió ở nước ta hiện nay mới ở mức 7,8 cent/KWh, thấp hơn mức các quốc gia trên thế giới từ 5 đến 8 cent/KWh. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho các dự án điện gió rất cao và tổn thất điện năng trên đường dây, chi phí vận hành bảo dưỡng cũng không phải nhỏ do mạng lưới điện quốc gia còn nhiều khuyết tật, thiếu ổn định, làm gián đoạn khi nối lưới hoà mạng, tiêu hao sản lượng điện lớn. Lại nữa, chính sách vay ưu đãi đầu tư phát triển điện gió cũng chưa rõ ràng, các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng cũng không mặn mà cho vay phát triển loại năng lượng này vì tính rủi ro cao. Theo báo cáo của Sở Công thương, đến nay, tỉnh Bình Thuận đã thu hút được 16 dự án điện gió, tổng công sát dự kiến 1.230 MW, trong đó có 5 dự án được Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và đã có 3 dự án triển khai xây dựng, đi vào hoạt động 2 dự án (Nhà máy Phong điện I – Tuy Phong, công suất 30 MW; điện gió Phú Quý, công suất 6 MW) và điện gió Phú Lạc đang khẩn trương lắp đặt thiết bị với công suất 24 MW. Như vậy, so với số dự án thu hút thì số dự án điện gió đầu tư đi vào hoạt động còn quá ít ỏi. Trong vô vàn khó khăn thì khó khăn lớn nhất cho phát triển điện gió là giá mua thấp, nhà đầu tư chưa có lãi, đây là nút thắt cần tháo gỡ…

Thiết nghĩ, để điện gió phát triển “nút thắt” cần tháo gỡ là phải nâng giá mua để nhà đầu tư có lãi. Muốn vậy, theo tôi giải pháp tối ưu sắp tới trong đầu tư phát triển điện gió nên áp dụng phương thức hợp tác công – tư (PPP) giữa doanh nghiệp có vốn Nhà nước (hoặc Nhà nước) với nhà đầu tư ngoài khu vực Nhà nước (tư nhân) để cùng chung tay hợp tác, chia sẻ rủi ro và cùng hưởng thành quả đạt được. Có như vậy, mới tạo được “cú hích” và là lối ra để điện gió phát triển với quy mô lớn, thực hiện được chiến lược và chính sách của quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng, góp phần bổ sung nguồn năng lượng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Bình Thuận mới thúc đẩy điện gió phát triển nhanh, bền vững, cùng với nhiệt điện, thuỷ điện, khí điện, điện mặt trời xây dựng tỉnh nhà sớm trở thành trung tâm năng lượng quốc gia như Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP