TIN MỚI NHẤT

Giải pháp nào để kinh tế biển Bình Thuận phát triển toàn diện

Bình Thuận cò bờ biển dài 192 km, có lãnh hải rộng 52.000 km2, có nhiều tiềm năng phong phú, đa dạng để phát triển kinh tế biển. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: “Trong 05 năm tới, tập trung đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế biển cả về khai thác, chế biến, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần nghề cá gắn liền với phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch, đi đôi với coi trọng phát triển công nghiệp ven biển nhằm khai thác tối đa lợi thế kinh tế biển”. Giải pháp nào để thực hiện?

THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy (khóa XI) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, có thể nói kinh tế biển Bình Thuận có bước phát triển tương đối toàn diện, tạo được diện mạo mới vùng ven biển. Sản lượng khai thác hải sản tăng qua từng năm, năm 2015 sản lượng hải sản khai thác được 198.400 tấn. Nuôi trồng thủy sản cả nước ngọt, mặn và lợ phát triển, đặc biệt chất lượng tôm giống khẳng định được lợi thế và tăng nhanh, năm 2015 sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 14.000 tấn, tôm giống sản xuất và tiêu thu hơn 22 tỷ post, tăng gấp 4 lần so với năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 122,2 triệu USD, chiếm gần 40% giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2007. Các nghiệp đoàn nghề cá và tổ đoàn kết khai thác thủy sản thành lập ngày càng nhiều, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đến nay đã thành lập thí điểm 5 nghiệp đoàn nghề cá ở các địa phương và 236 tổ đoàn kết với 2.098 thuyền và hơn 15.000 lao động. Cơ cấu thuyền nghề chuyển mạnh theo hướng tăng tàu thuyền có công suất lớn, khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần trên biển; toàn tỉnh hiện có gần 7.500 tàu thuyền, với tổng công suất hơn 842.000 CV, trong đó tàu có công suất từ 90 CV trở lên có 264 chiếc. Du lịch ven biển và hải đảo phát triển nhanh, năm 2015 đón hơn 4.250 ngàn lượt du khách; doanh thu từ du lịch biển đạt 7.641 tỷ đồng, tăng bình quân 25,3%/năm; đặc biệt đã tổ chức được một số sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế góp phần tuyên truyền, quảng bá thu hút du khách như giải lượt ván bườm cúp thế giới PWA Mũi Né – Việt Nam, Festival thuyền buồm quốc tế Mũi Né – Bình Thuận – Việt Nam, Hoa hậu trái đất, Hoa hậu đại dương… Các ngành công nghiệp ven biển tiếp tục phát triển, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đặc biệt hình thành ngày càng rõ nét trung tâm năng lượng (cả nhiệt điện, điện gió…). Khoáng sản ven biển khá phong phú, nhất là cát đen, cát thạch anh, dầu khí… Kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đến nay đã hoàn thành nhiều công trình đưa vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, liên kết giữa các vùng trong tỉnh, đặc biệt là giao thông, kè biển, cảng biển…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế biển của Bình Thuận phát triển còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế có được. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào tổng sản phẩm nội địa của địa phương (GRDP) còn thấp. Công nghiệp chế biến thủy sản còn yếu, bảo vệ môi trường, nguồn lợi hải sản có quan tâm nhưng còn hạn chế. Tình trạng xâm thực biển xảy ra nhiều nơi, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Kết cấu hạ tầng ven biển còn thiếu và yếu như ít cảng cá, quy mô đầu tư cũng như các dịch vụ kèm theo cảng chậm phát triển. Đời sống một bộ phận dân cư vùng biển còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn lao động biển còn thấp…

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Trong thời gian tới, để Bình Thuận tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế, phát triển kinh tế toàn diện và bền vững, gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh; thiết nghĩ cần phải có giải pháp thật căn cơ, mạnh mẽ. Giải pháp đầu tiên đó là phải rà soát, bổ sung, điều chỉnh và triển khai thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển kinh tế biển phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với quy hoạch vùng và cả nước. Kế đến, là phải huy động tối đa các nguồn vốn đề đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, chống xâm thực biển trước thách thức của biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển du lịch biển, đảo để có đóng góp quan trọng trong tổng giá trị kinh tế biển; tập trung khai thác thế mạnh thể thao biển, thể thao trên cát, thực hiện tốt Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia. Tiếp theo là phát huy hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển; phát triển công nghiệp đóng sửa tàu thuyền, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư các cơ sở dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; công nghiệp năng lượng. Tập trung nghiên cứu cơ cấu cây trồng ven biển phù hợp với biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán diễn ra gay gắt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước trong chăm sóc các loại cây trồng bằng dây microdrip của Ixraen. Phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, phấn đấu đến năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản đạt 200.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 170 triệu USD. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo; chủ động phòng, tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng. Có như vậy, Bình Thuận mới sớm xây dựng ngành kinh tế biển thành ngành kinh tế động lực quan trọng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm tới nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP