Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã nghiên cứu, đề xuất nội dung giám sát, phản biện xã hội năm 2015, tập trung vào các vấn đề về công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý khoáng sản, tài nguyên, môi trường; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án xây dựng trên địa bàn; công tác quy hoạch cán bộ nữ nhiệm kỳ 2015 - 2020; việc quan tâm thực hiện các chính sách về đào tạo nghề lao động nông thôn trong thanh niên, phụ nữ... Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đã thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc giải quyết các công việc cho nhân dân và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc phát sinh từ cuộc sống hằng ngày tại cơ sở, góp phần quan trọng trong việc giám sát các cơ quan chính quyền, đảng viên, cán bộ, công chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; từ đó giúp cấp ủy đảng, chính quyền kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít tổ chức Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện, cấp cơ sở và cán bộ, đoàn viên, hội viên nhận thức, tiếp thu chưa thật sâu kỹ, chưa nắm chắc ý nghĩa, nội dung, phương thức, quy trình thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218- QĐ/TW của Bộ Chính trị; đáng chú ý là, chưa phân biệt giữa việc giám sát thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ với việc giám sát theo tinh thần Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Việc triển khai công tác giám sát còn lúng túng, nhất là cấp huyện và cơ sở; kỹ năng giám sát vẫn còn hạn chế, việc lựa chọn nội dung đối tượng giám sát chưa thật sự phù hợp; phương pháp thực hiện còn đơn điệu, chủ yếu thông qua báo cáo của các đơn vị được giám sát. Việc theo dõi kết quả, thông báo của đơn vị chủ thể đối với đối tượng được giám sát thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được chú ý. Một số tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện việc giám sát với tâm lý chưa thật sự tự tin. Một số đơn vị được giám sát vẫn còn tâm lý đối phó, hình thức, chưa thật sự coi trọng việc được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn. Phản biện xã hội là lĩnh vực còn nhiều hạn chế, chủ yếu thực hiện hình thức góp ý kiến là chính. Nguyên nhân do việc lựa chọn vấn đề để phản biện và năng lực phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu. Tính chủ động của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và đoàn viên, hội viên, nhân dân trong việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa cao, chủ yếu thực hiện việc góp ý khi được cấp ủy, chính quyền, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị yêu cầu. Một số cơ quan, đơn vị đặt hòm thư góp ý ở vị trí chưa thuận lợi để nhân dân gửi thư góp ý. Công tác tuyên tuyền về ý nghĩa, nội dung đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế; sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trong công tác chuẩn bị chưa thật chặt chẽ; do đó tại các buổi đối thoại của nhân dân chủ yếu là đề nghị giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của cá nhân, nội dung góp ý đối với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương chưa nhiều.
Để phát huy những kết quả, kinh nghiệm bước đầu đã đạt được và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn của việc triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền cần có sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; trong đó, tập trung các vấn đề sau:
1- Các cấp ủy, tổ chức đảng (cấp huyện và cơ sở) phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và kiểm tra việc thực hiện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó, cần chú ý phát huy đúng mức trách nhiệm, vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên và người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện; vai trò theo dõi, điều phối và tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo của ban dân vận các cấp và khối dân vận cơ sở.
2- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu, triển khai thực hiện; bám sát các văn bản hướng dẫn, quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của cấp ủy và thống nhất với cơ quan chính quyền cùng cấp; tăng cường củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ chuyên trách; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giám sát, phản biện xã hội và vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo quy định; phát huy tốt vai trò của các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Hội đồng tư vấn, lực lượng cộng tác viên, chuyên gia... nhằm thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
3- Các sở, ban, ngành, các cơ quan chính quyền địa phương cần tích cực phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thực hiện tốt việc cung cấp thông tin liên quan đến nội dung giám sát và chủ động yêu cầu thực hiện phản biện xã hội; tăng cường thực hiện đối thoại trong giám sát, phản biện và giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện.