Các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh; tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu; quan tâm các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở tiếp tục được đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật được tăng cường. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của địa phương và những phẩm chất, tính cách tốt đẹp của người dân Bình Thuận; trong đó, nổi bật là: Đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh giữ vững truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng. Truyền thống đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, giúp nhau trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo được duy trì và mở rộng. Đức tính cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh thích ứng với cơ chế thị trường được phát huy. Phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Dòng họ hiếu học” và nhiều phong trào đa dạng khác của Mặt trận, các đoàn thể; đã xuất hiện nhiều mô hình hay, điển hình tốt trên nhiều lĩnh vực; qua đó, khơi dậy, vun đắp truyền thống văn hóa, tính cách tốt đẹp của con người Bình Thuận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khuyết điểm, hạn chế; đáng lưu ý là: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn xảy ra; ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân chưa tốt, một số cán bộ, đảng viên tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật đã làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh. Đạo đức xã hội nhiều mặt bị xuống cấp và chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự có chiều hướng gia tăng, nhất là ma túy, cờ bạc, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, giết người cướp của, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê có tính chất côn đồ diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn xảy ra. Lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, coi nặng lợi ích vật chất, sống thiếu tình người, coi nhẹ đạo lý trong một bộ phận nhân dân, nhất là trong giới trẻ đang là vấn đề đáng quan tâm. Chất lượng thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” có mặt còn hạn chế; việc xét, công nhận các danh hiệu “gia đình văn hóa”, “thôn - khu phố văn hóa” nhiều nơi còn hình thức. Hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển chưa đều; chưa có nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, sức lan tỏa còn hạn chế. Các thiết chế văn hóa từ cấp tỉnh đến cơ sở còn thiếu, chưa đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng, phát huy hiệu quả sử dụng các công trình nhà văn hóa, hệ thống truyền thanh cấp xã một số nơi chưa tốt. Một số giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống cách mạng chưa được khai thác, phát huy đúng mức. Văn hóa, đạo đức kinh doanh của một số doanh nghiệp, hộ gia đình còn nhiều bất cập, yếu kém, vẫn còn xảy ra không ít tình trạng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh sự tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong đời sống xã hội của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở nhiều nơi chưa sâu kỹ nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa tập trung, thiếu quyết liệt. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa còn nhiều bất cập; kinh phí ngân sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn ít, thực hiện xã hội hóa còn nhiều hạn chế; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác kiểm tra, giám sát về phát triển văn hóa chưa được coi trọng nên chưa kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc và xử lý các hành vi vi phạm.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 29-NQ/TU; cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, của địa phương. Trước hết, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh cần xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 29-NQ/TU; trong đó, cần thể hiện các yêu cầu: Xác định việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Thường trực các cấp ủy, sự chỉ đạo, quản lý của UBND các cấp, không “khoán trắng” cho ngành văn hóa. Làm rõ những biện pháp khắc phục các hạn chế, yếu kém qua việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua; đồng thời, xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện đạt kết quả thực chất việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian tới. Coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án về các chuẩn mực giá trị văn hóa con người Bình Thuận để phát triển bền vững. Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; trong đó, tập trung vào các nội dung: Xây dựng và phát huy vai trò của gia đình; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, sống có nền nếp; phát huy và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Xây dựng môi trường văn hóa đoàn kết, dân chủ, văn minh trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; rà soát, bổ sung Quy định về chuẩn mực các giá trị văn hóa cụ thể, sát hợp trong từng cơ quan, đơn vị. Xây dựng văn hóa trong giáo dục và đào tạo; phát huy tốt vai trò nêu gương của thầy, cô giáo trong việc giáo dục, rèn luyện học sinh nâng cao lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, kỹ năng sống; tăng cường giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh, sinh viên. Tập trung xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước và các đoàn thể gắn với tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tạo sức lan tỏa ra ngoài xã hội. Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa trong kinh tế, nhất là giáo dục văn hóa ứng xử, đạo đức kinh doanh, chống gian lận thương mại, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, trốn thuế,… Xây dựng môi trường xã hội đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự, kỷ cương; xây dựng ý thức chấp hành pháp luật của mọi thành viên trong xã hội.
Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đảm bảo đúng thực chất, tránh hình thức gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua ở thôn, khu phố.
Có biện pháp sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có. Tiếp tục đầu tư các thiết chế văn hóa ở các cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, nhất là ở cơ sở. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng một số khu lưu niệm lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Mặt khác, làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chú ý các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch của địa phương.
Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ, hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thông tin tuyên truyền - cổ động. Tiếp tục chuyển mạnh các hoạt động, các phong trào văn hóa, văn nghệ về cơ sở, chú trọng vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đảo Phú Quý. Khuyến khích các hoạt động sáng tạo để có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao phục vụ đời sống văn hóa nhân dân.
Các cấp ủy tăng cường lãnh đạo các hoạt động của báo chí, văn hóa - văn nghệ, đảm bảo đúng định hướng, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội; nâng cao tính chiến đấu trong hoạt động báo chí, văn hóa; kịp thời cung cấp những thông tin chính thống, đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa nói riêng và mọi hoạt động của đời sống xã hội nói chung; xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi lệch lạc, trái thuần phong, mỹ tục, vi phạm pháp luật.
Có kế hoạch cụ thể xây dựng và phát huy đội ngũ làm công tác văn hóa; chú ý xây dựng đội ngũ trí thức trong đồng bào dân tộc thiểu số; bồi dưỡng và tổ chức lực lượng sáng tác, quảng bá, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa các dân tộc trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác, tạo ra nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cao, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Các cấp ủy tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 29-NQ/TU tại địa phương, đơn vị mình, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm.