Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 33-NQ/TU, ngày 24/02/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực. Đến nay, có trên 140 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được vay vốn từ NHCSXH; qua đó, giúp trên 28 ngàn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; trên 9,7 ngàn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải cho việc học và trên 6,6 ngàn lao động được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm; trên 100 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, cải tạo; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng trên 100 căn nhà… Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cấp ủy, UBND các cấp, các sở, ban, ngành có liên quan, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW, Chương trình hành động số 33-NQ/TU trong cán bộ, đảng viên, nhân dân; đồng thời, ban hành kế hoạch, chương trình cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; đã tạo chuyển biến nhận thức rõ hơn của cả hệ thống chính trị về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội; qua đó, đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai và phối hợp, hỗ trợ NHCSXH hoạt động từ công tác tuyên truyền, củng cố, kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, bổ sung vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay, thực hiện các hoạt động ủy thác, bảo đảm an ninh, an toàn đối với hoạt động của NHCSXH tại các điểm giao dịch ở cấp xã... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể các cấp đã phối hợp khá tốt với NHCSXH trong việc tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và nhân dân các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách xã hội; tham gia thực hiện các hoạt động ủy thác và giám sát, mở tài khoản bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH, góp phần từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội, cũng như đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, củng cố, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, nhất là ở cơ sở. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động NHCSXH tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền Chỉ thị số 40-CT/TW cũng như phổ biến các chương trình tín dụng chính sách xã hội, tín dụng ưu đãi chưa thường xuyên, chưa sâu rộng, một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò tín dụng chính sách xã hội, còn không ít hộ nghèo, đối tượng chính sách chưa được tiếp cận vay vốn hoặc được vay vốn nhưng chưa sử dụng vốn có hiệu quả để vươn lên thoát nghèo, chưa tích cực trả nợ vay. Nguồn vốn huy động của NHCSXH tỉnh còn thấp, trong đó mức vốn ngân sách tỉnh và cấp huyện ủy thác sang NHCSXH thấp hơn mức bình quân của cả nước, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Một số đoàn thể, chủ yếu ở cấp xã không ít nơi chưa thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác, nhất là việc tham gia bình xét hộ vay, kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay, xử lý nợ quá hạn. Chất lượng hoạt động, khả năng quản lý vốn của các Tổ tiết kiệm và vay vốn còn hạn chế. Tỷ lệ nợ quá hạn về tín dụng chính sách xã hội của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Công tác hỗ trợ, hướng dẫn cho các đối tượng vay vốn tín dụng chính sách xã hội về khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả của các ngành, đoàn thể, địa phương còn ít và chưa thường xuyên, đã làm hạn chế hiệu quả sử dụng vốn vay tín dụng chính sách xã hội.
Những khuyết điểm, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Nhận thức một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, nhất là cấp xã về tín dụng chính sách xã hội chưa đầy đủ, sâu sắc nên chưa tích cực, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; chưa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở địa phương. Sự phối hợp giữa NHCSXH với các ngành, Mặt trận và các đoàn thể có mặt, có nơi chưa đồng bộ và chặt chẽ, làm hạn chế đến kết quả thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách xã hội. Vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền của NHCSXH tỉnh, các phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện có lúc, có nơi thiếu chủ động và chưa kịp thời.
Để thực hiện đạt các mục tiêu: Phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Hàng năm, thực hiện hoàn thành kế hoạch huy động vốn do NHCSXH Việt Nam giao. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ vốn ngân sách tỉnh và huyện ủy thác sang NHCSXH (so với tổng nguồn vốn) ít nhất bằng mức bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh dưới 0,5%; trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,4%; 100% các khoản nợ khoanh đến hạn trong từng năm được thu hồi hoặc xử lý theo đúng quy định; thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định tại Chương trình hành động số 33-NQ/TU và Công văn số 617-CV/TU, ngày 06/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục tổ chức sinh hoạt, quán triệt sâu kỹ Chỉ thị số 40-CT/TW và Chương trình hành động số 33-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Thường trực cấp ủy và UBND các cấp từ tỉnh đến cơ sở, không được “khoán trắng” cho NHCSXH; thực hiện có nề nếp chế độ Thường trực cấp ủy và lãnh đạo UBND cùng cấp làm việc với NHCSXH 01 quý/lần đối với cấp xã, 06 tháng/lần đối với cấp huyện, 01 năm/lần đối với cấp tỉnh và khi cần thiết thì làm việc bất thường để nghe báo cáo tình hình và kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tín dụng chính sách xã hội.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp huy động tăng thêm nguồn vốn cho vay của NHCSXH nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Theo đó, NHCSXH tỉnh phải thường xuyên bám sát, kiến nghị tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ NHCSXH Việt Nam, đồng thời chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các sở, ngành, Mặt trận, các đoàn thể và các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để các tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiết kiệm tại NHCSXH. UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố hàng năm cân đối ngân sách bổ sung nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH năm sau cao hơn năm trước, phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ ít nhất bằng mức bình quân chung của cả nước. Mặt trận và đoàn thể các cấp tiến hành rà roát, mở tài khoản các nguồn vốn quỹ của cơ quan, đơn vị mình đang quản lý tại NHCSXH, góp phần tạo thêm nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời phối hợp với NHCSXH tuyên truyền, vận động các tổ chức và cá nhân gửi tiết kiệm vào NHCSXH.
Bằng các hình thức phù hợp, tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, làm cho đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc của tín dụng chính sách xã hội, bảo đảm các yêu cầu: Người nghèo và các đối tượng chính sách phải hiểu và nắm rõ quy trình, thủ tục cho vay để mạnh dạn tham gia vay vốn; sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả, cam kết trả nợ đúng hạn, không ỷ lại. Người dân hiểu đúng về gửi tiết kiệm tại NHCSXH có lãi suất như gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại, không sợ mất vốn và không gặp khó khăn khi cần rút vốn. Phát huy tốt hơn vai trò giám sát của Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Tiếp tục rà soát, đánh giá, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa NHCSXH với Mặt trận, các đoàn thể, các ngành, các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách xã hội đã xác định tại Chương trình hành động số 33-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 2620/KH-UBND, ngày 05/8/2015 của UBND tỉnh, trong đó cần lưu ý: Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần tiến hành kiểm điểm, đánh giá lại công tác tuyên truyền, vận động, tình hình thực hiện các nội dung ủy thác, công tác giám sát quá trình sử dụng vốn vay; qua đó, đề ra biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế, đồng thời phối hợp củng cố, kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương, bảo đảm hoạt động thực chất. Đưa nhiệm vụ thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội vào danh mục tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng các tổ chức, cá nhân hàng năm. Phối hợp với các ngành tăng cường hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phân nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội.
Ngoài ra, NHCSXH tỉnh cần chủ động phối hợp tốt hơn nữa với các ngành, Mặt trận, các đoàn thể và các địa phương, đồng thời tiếp tục tranh thủ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, UBND các cấp trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tham mưu củng cố, kiện toàn, phát huy tốt vai trò của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp; tập trung củng cố, phát huy các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động thực chất, có hiệu quả và phát triển nguồn vốn cho vay. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện để điều chỉnh, bổ sung Quy chế phối hợp giữa NHCSXH với Mặt trận, các đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp. Đồng thời, nghiên cứu, tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa NHCSXH tỉnh với các sở, ngành liên quan, trước hết là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đi đôi với tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII)về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, viên chức ngày càng trong sạch, vững mạnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực.