Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và hơn 06 năm thực hiện Luật HTX năm 2012; tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tiến bộ; nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể được nâng lên; kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã có bước phát triển cả về số lượng, quy mô và phạm vi hoạt động. Đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có 183 hợp tác xã (tăng 22,8% so với năm 2003), 5.172 tổ hợp tác và 02 liên hiệp hợp tác xã; trong đó có 131 HTX nông nghiệp, thủy sản; 11 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; 07 HTX giao thông vận tải; 09 HTX thương mại - dịch vụ và 25 Quỹ tín dụng nhân dân. Phần lớn các HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012; nhiều HTX được củng cố về tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động; quy mô và năng lực sản xuất, kinh doanh từng bước được nâng lên, góp phần hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ và xã viên. Hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được một số HTX thực hiện đạt hiệu quả bước đầu; quá trình đó, đã xuất hiện một số mô hình HTX sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cần được đánh giá, nhân rộng.
Tuy nhiên, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; đáng chú ý: Công tác quán triệt, tuyên truyền về Nghị quyết số 13-NQ/TW, Luật HTX năm 2012 chưa thường xuyên và sâu rộng. Bộ máy quản lý nhà nước ở các cấp trong tỉnh về kinh tế tập thể còn nhiều bất cập, chưa thống nhất, hoạt động chưa hiệu quả; nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể chưa triển khai kịp thời, đầy đủ. Phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, phát triển chưa đều trên các lĩnh vực, số lượng còn ít, hoạt động cầm chừng, thiếu gắn kết với nhau, cũng như thiếu liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác. Việc hình thành mô hình HTX liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhiều khó khăn, hạn chế. Mặt khác, trình độ tổ chức, năng lực quản lý, năng lực tài chính của hầu hết các HTX còn yếu, thiếu minh bạch, hiệu quả thấp, việc tác động hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa thu hút xã viên tham gia.
Những khuyết điểm, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Nhận thức của nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở chưa đầy đủ nên chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, không ít nơi còn buông lỏng; từ đó, việc phát triển kinh tế tập thể, nhất là HTX trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Nội dung tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế tập thể còn hạn chế, nhất là chưa làm rõ được vai trò quan trọng của kinh tế tập thể là nhu cầu khách quan, cần thiết trên các ngành, lĩnh vực. Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ sở, ngành đến cấp huyện, xã chưa rõ ràng, còn chồng chéo, trùng lắp. Đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Vai trò tham mưu của các cấp, các ngành chưa tốt, chưa kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế tập thể. Các chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX chưa được triển khai, áp dụng đầy đủ, kịp thời, thiếu sự khích lệ, động viên, hỗ trợ thúc đẩy phát triển HTX. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX trong tỉnh còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu.
Nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX; trong đó, phấn đấu đến cuối năm 2021, không có HTX tồn tại hình thức và có ít nhất 70% HTX hoạt động có hiệu quả; thời gian tới, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:
Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW, Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh bảo đảm 04 yêu cầu: (1) Phải làm rõ tính tất yếu, tầm quan trọng, tính khách quan của kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay, sắp đến và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt; (2) Phân biệt sự khác nhau giữa mô hình HTX kiểu cũ và HTX kiểu mới; (3) Việc tham gia hợp tác sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên tinh thần tự nguyện, tự chủ, cùng có lợi; (4) Phải coi trọng chất lượng và hiệu quả, tránh hình thức, chạy theo phong trào; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành và người dân về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Theo đó, các cấp, các ngành cần đổi mới nội dung và lựa chọn phương pháp tuyên truyền bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế như: Tổ chức hội thảo, tọa đàm, mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về kinh tế tập thể, HTX trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức triển lãm, hội chợ giới thiệu các sản phẩm của HTX, xây dựng phóng sự, phim truyền hình về kinh tế tập thể, HTX, tổ chức thi tìm hiểu về HTX…; đồng thời, cần đưa nội dung về nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể vào báo cáo chính trị trình đại hội đảng các cấp sắp tới.
Thứ hai, tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cấp tỉnh, cấp huyện bảo đảm đúng thực chất; đồng thời, rà soát các nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2020, trong đó cần xử lý dứt điểm các trường hợp HTX yếu kém, ngưng hoạt động, các HTX đã giải thể nhưng còn vướng mắc về công nợ, vốn góp… không để tình trạng các HTX tồn tại hình thức; chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX theo hướng đa dạng các ngành nghề, chú ý phát triển các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; khuyến khích phát triển các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới.
Thứ ba, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, HTX phát triển, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Khẩn trương thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX theo tinh thần Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX như: Xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực…; khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, góp phần thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, rà soát chặt chẽ việc xét công nhận tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo mỗi xã nông thôn mới có ít nhất 01 HTX hoạt động có hiệu quả, đúng thực chất.
Thứ tư, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức quản lý và cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu của các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã về kinh tế tập thể, tránh tình trạng buông lỏng, chồng chéo trong quản lý kinh tế tập thể, HTX; đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý HTX.
Thứ năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh cần tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập mới HTX; xây dựng, nhân rộng và kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động có hiệu quả.