TIN MỚI NHẤT

Bình Thuận: Quan tâm chăm lo xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc, coi việc chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo lý truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điển hình là: Nghị quyết số 04-NQ/TU và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X); Nghị quyết số 17/2011/NQ-HĐND, ngày 14/12/2011 của HĐND tỉnh; các quyết định của UBND tỉnh về ban hành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2020; chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông sản hàng hóa; chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên từ bậc mầm non đến bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển cây cao su, giải quyết đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn phát triển sản xuất… cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, năng động, sáng tạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; qua đó, đã đạt được một số kết quả nổi bật: Đến nay, 100% xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã; đã giải quyết căn bản việc cấp đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (với 15.281 ha/14.279 hộ, bình quân trên 01ha/hộ); chuyển dần từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất; thực hiện tốt công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (trong giai đoạn 2014 - 2019, toàn tỉnh đã giao khoán 86.252 ha rừng cho 2.381 hộ đồng bào dân tộc thiểu số quản lý, bảo vệ); tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm dần qua từng năm (trong giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh giảm 1.923 hộ nghèo, tương ứng giảm 9,94%, bình quân giảm 3,31%/năm), đến nay không còn hộ đói; hệ thống trường lớp, cơ sở y tế, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống thông tin - truyền thông được quan tâm đầu tư, nâng cấp (Đến nay, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số trong tỉnh có 52 trường học; 14 trạm y tế có bác sĩ tại chỗ; 100% xã được phủ sóng phát thanh - truyền hình; 17/17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững. Công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở đạt nhiều kết quả tích cực; đội ngũ cán bộ tại chỗ tiếp tục có bước trưởng thành; khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được cũng cố vững chắc. Trên thực tế, đã xuất hiện nhiều tấm gương già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như trong thực hiện phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu còn hạn chế; việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm, giải quyết đầu ra cho nông sản còn khó khăn; tình trạng lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất đai trái phép trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn xảy ra; số xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa nhiều; đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc…

Thời gian tới, để tiếp tục chăm lo xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh theo hướng bền vững, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; thường xuyên quan tâm chăm lo về đời sống, sản xuất cho đồng bào; giữ vững niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Hai là, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của nhân dân và các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu. Tiếp tục thực hiện tốt 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt các chính sách dân tộc; các chương trình, dự án, đề án về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030; sớm hoàn thành chỉ tiêu xây dựng các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục rà soát quỹ đất ở từng địa phương để giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào chưa có đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất bảo đảm phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp trên từng địa bàn, nhất là trong điều kiện thiên tai diễn biến phức tạp và biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng như hiện nay. Tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, phát triển sản xuất hàng hóa trên cơ sở lựa chọn các loại giống tốt, phù hợp, có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định gắn với tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng gắn liền với tạo sinh kế từ rừng. Đồng thời, thường xuyên quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, y tế, văn hóa - thông tin, thể thao… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào.

Ba là, tiếp tục gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc tỉnh Bình Thuận, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bốn là, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo tinh thần đoàn kết gắn bó, ổn định, chăm lo cải thiện điều kiện sản xuất và đời sống cho đồng bào; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; ra sức xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, thường xuyên tuyên truyền cho đồng bào nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc. Tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư địa phương.

Sáu là, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các ban, ngành trong tỉnh cần thường xuyên quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn và vun đắp khối đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc anh em.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP