TIN MỚI NHẤT

Nhìn lại 5 năm thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 679/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của nhân dân, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn tỉnh tiếp tục duy trì 81/127 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm; đạt 100% kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, phối hợp liên ngành

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm trên toàn tỉnh luôn được chú trọng. 5 năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức nói chuyện chuyên đề cho hơn 12.750 lượt người tham gia; treo 31.275 pa nô, băng rôn, phát 66.150 tờ rơi, tổ chức 125 buổi giao lưu, đối thoại, gặp mặt, tuyên dương điển hình trong phòng, chống tội phạm và phòng, chống mại dâm. Báo, đài và các trang thông tin của các ngành chức năng của tỉnh đã đưa 550 tin, bài, phóng sự, hình ảnh về phòng, chống tội phạm và phòng, chống mại dâm.  

Hàng năm, thông qua các chương trình phối hợp, kế hoạch cụ thể, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đã chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều mô hình, hoạt động có hiệu quả trong công tác phòng, chống mại dâm. Các đơn vị như Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Công an tỉnh... và các đoàn thể liên quan tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình, đã triển khai lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với các chương trình mục tiêu thuộc ngành. Đã tập trung triển khai tốt những nội dung, biện pháp để yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ ký cam kết khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; tuyên truyền, vận động chủ cơ sở kinh doanh gắn bảng “Nhà trọ, nghà nghỉ, nhà cho thuê không có tội phạm”; mời chủ hộ kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ, quán cà phê, giải khát…có nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm để tuyên truyền các chủ trương, pháp luật, ký cam kết không vi phạm. Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh phong trào “Quần chúng đấu tranh tố giác tội phạm”, phong trào “Xây dựng thôn, xóm, khu phố văn minh”, phát động toàn dân đăng ký “Xây dựng gia đình văn hóa” gắn với xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm. Qua thực hiện các phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình trong phòng, chống mại dâm có hiệu quả như mô hình “Chi hội Cựu chiến binh phòng, chống tệ nạn xã hội và phòng, chống tội phạm”, “Tổ phụ nữ tuyên truyền phòng, chống mại dâm”, mô hình “Thôn, xóm không có tệ nạn ma túy, mại dâm”; “Dòng họ phòng, chống tệ nạn xã hội”.

Tích cực kiểm tra, xử lý vi phạm

Trong 5 năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã triệt phá 84 vụ mại dâm, bắt giữ 295 đối tượng (131 chủ chứa, 82 người mua dâm, 82 người bán dâm). Xử phạt vi phạm hành chính 28 vụ/171 đối tượng gồm: 52 người là chủ chứa, 82 người mua dâm, 37 người bán dâm với số tiền là 236 triệu đồng; đề nghị truy tố hình sự 56 vụ/79 chủ chứa mại dâm. Đội công tác xã hội tình nguyện tại 25 xã, phường, thị trấn có tình hình phức tạp về ma túy, mại dâm đã thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng để xử lý; đã phát trên 9.200 bao cao su, 2.650 tờ rơi về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; theo dõi giám sát 104 đối tượng môi giới mại dâm, 89 quán cà phê đèn mờ, 125 người nghi hoạt động bán dâm.

Giúp đỡ, tạo việc làm đạt kết quả bước đầu

Hoạt động giáo dục, chữa trị, giúp đỡ tạo việc làm cho người bán dâm tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và tại nơi cư trú tiếp tục được triển khai. Từ năm 2011 - 2012, Trung tâm đã tổ chức chữa bệnh và giáo dục cho 38 người bán dâm, tổ chức dạy nghề trang điểm, uốn tóc và học văn hóa cho 12 học viên (hiện nay, số người bán dâm tại Trung tâm đã bàn giao về cho các địa phương quản lý tại cộng đồng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính). Đến nay, số người bán dâm được quản lý tại nơi cư trú được giúp đỡ tạo việc làm ổn định 36/39 người, trong đó có 21 người có việc làm ổn định, 11 người được vay 125 triệu đồng để giải quyết việc làm từ Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng nông nghiệp - Phát triển nông thôn, 04 người làm nghề may công nghiệp ngoài tỉnh.

Nỗ lực vượt qua những khó khăn

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận như trên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm như một số nơi coi việc phòng, chống mại dâm là nhiệm vụ chính của lực lượng Công an nên còn ỷ lại, thiếu kiên quyết chỉ đạo triển khai thực hiện. Tình hình hoạt động mại dâm trong tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều biến tướng, hoạt động mại dâm trá hình, tổ chức khá tinh vi dưới nhiều hình thức, hẹn hò nhau ở quán cà phê, karaoke, dịch vụ hớt tóc nữ, massage, internet… rồi kéo đến nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn để thực hiện. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.091 cơ sở dịch vụ nhạy cảm với hơn 7.500 lao động nữ, trong đó có 1.808 cơ sở dịch vụ hoạt động có điều kiện gồm 1.203 dịch vụ cho thuê lưu trú - nhà trọ, nhà nghỉ, nhà cho thuê; 281 cơ sở karaoke; 239 khách sạn và 85 cơ sở massage. Việc xử phạt hành chính hành vi mua bán dâm quá thấp, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Việc phối hợp triệt phá hoạt động mại dâm tại một số địa bàn giáp ranh còn hạn chế do thiếu cơ chế phối hợp giữa các địa phương.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phòng, chống mại theo Quyết định số 679/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp, các ngành trong tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, lối sống của cá nhân và gia đình về phòng, chống tệ nạn mại dâm. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phòng ngừa sự lây truyền HIV/AIDS; ban hành các chính sách, dịch vụ hỗ trợ xã hội nhằm giúp người bán dâm hoàn lương như vay vốn tạo việc làm, học nghề... Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, truy quét triệt phá các ổ, nhóm chứa và môi giới mại dâm, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm nhất là những hành vi vi phạm có tổ chức hoặc tái phạm. Làm tốt công tác phối hợp giữa các ngành chức năng với các địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống mại dâm. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mại dâm nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn…


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP