Đôi nét về một số lễ hội tại Bình Thuận
Lễ hội Dinh Thầy Thím được tổ chức từ ngày 14 - 16 tháng 9 âm lịch hàng năm tại khu di tích văn hóa Dinh Thầy Thím xã Tân Tiến, thị xã La Gi; người dân và du khách đến tham gia lễ hội thường cầu mong có sức khỏe, hạnh phúc và làm ăn thuận lợi.
Lễ hội Nghinh Ông (Quan thánh Đế Quân) là lễ hội thường được tổ chức 2 năm một lần, thu hút đông đảo đồng bào người Hoa từ khắp nơi và du khách về Phan Thiết dự lễ với ước mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người được ấm no hạnh phúc; đây là lễ hội được đánh giá có giá trị văn hóa với truyền thống gần 200 năm.
Lễ hội Katê (Mbang Katé) là lễ hội truyền thống quan trọng và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bà la Môn được tổ chức hằng năm vào đầu tháng 7 theo lịch của đồng bào Chăm (khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch) nhằm tưởng nhớ ông bà, tổ tiên cũng như tạ ơn các vị anh hùng dân tộc được người Chăm tôn vinh thành thần; trong nghi thức hành lễ có lễ mở cửa tháp, tắm tượng, mặc áo, đội mũ cho tượng thần... , sau đó tổ chức phần hội với các điệu múa, hát dân ca để mọi người cùng tham gia.
Lễ hội Cầu yên là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm tại các xóm làng của người Chăm theo đạo Bà Ni, lễ hội diễn ra trong 3 ngày đêm vào đầu tháng giêng theo lịch của đồng bào Chăm; dân làng làm Lễ Cầu yên để xua đuổi những điều không may mắn của năm cũ và cầu mong sự an lành trong năm mới; nghi lễ chính được tiến hành vào lúc chập tối, sau phần nghi lễ là đến múa, hát.
Lễ hội rước đèn Trung thu đã trở thành truyền thống của các em thiếu nhi tại Phan Thiết, Lễ hội này được tổ chức vào ngày Tết Thiếu nhi (rằm tháng tám) và là lễ hội rước đèn lớn nhất Việt Nam đã được ghi vào kỷ lục Guiness, thu hút được khá đông đảo người dân trong tỉnh và du khách đến xem.
Lễ hội đua thuyền trên sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết được tổ chức vào ngày Mồng 2 tết Nguyên Đán hằng năm, quy tụ hàng chục đội thuyền đua của các tỉnh lân cận đến tham gia; Lễ hội này là một trong những hoạt động thể thao lâu đời, gắn bó với đời sống văn hóa và tinh thần của người dân Phan Thiết mỗi dịp xuân về.
Hội thi leo núi Tà Cú được diễn ra hàng năm vào ngày mồng 7 tết Nguyên Đán tại huyện Hàm Thuận Nam, lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1996 và đến nay đã trở thành hoạt động truyền thống của người dân địa phương.
Ngoài các lễ hội nêu trên, người dân trên địa bàn tỉnh còn tổ chức nhiều lễ hội như Tết Đoan ngọ, Lễ Vu lan để báo hiếu cha mẹ, Lễ Phật đản, Lễ Giáng sinh; ngành du lịch tổ chức lễ hội thi lướt ván buồm quốc tế, lễ hội khinh khí cầu… nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch của Bình Thuận.
Một số hạn chế của công tác quản lý và tổ chức lễ hội
Có thể nhận thấy, các lễ hội trên địa bàn diễn ra khá sổi nổi, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân trong tỉnh cũng như du khách trong và ngoài nước; việc tổ chức lễ hội đã góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Thời gian qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội luôn được các cấp chính quyền tỉnh ta quan tâm, tập trung chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh ta còn bộc lộ một số hạn chế đáng chú ý là: tình trạng lợi dụng tín ngưỡng dân gian để hoạt động mê tín dị đoan, xin xăm, bói toán, tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc; gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xâm hại di tích, công trình tín ngưỡng, tôn giáo, nơi thờ tự; tình trạng chèo kéo, ép giá du khách trong quá trình tổ chức lễ hội vẫn còn xảy ra ở một số nơi.
Tăng cường hơn nữa công tác quản lý và tổ chức lễ hội
Để thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội và Chương trình hành động Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc và xây dựng nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, thiết nghĩ cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác tác tổ chức lễ hội. Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt sâu rộng các quy định pháp luật về tổ chức lễ hội, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân đối với việc tổ chức lễ hội.
Cùng với đó, cần tiến hành rà soát, quản lý chặt chẽ, giảm số lần, thời gian tổ chức lễ hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn; hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; việc tổ chức lễ hội phải theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với truyền thống văn hóa và phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm và văn minh; trong đó, cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu chấp hành. Ngăn chặn và khắc phục tình trạng lợi dụng di tích, công trình tín ngưỡng, nơi thờ tự, lễ hội nhằm mục đích trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật. Thực hiện nghiêm việc quản lý đốt hàng mã; quản lý và sử dụng đồng tiền Việt Nam trong lễ hội theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng lạm dụng, tùy tiện đặt hòm công đức và tiền lễ. Quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; xử lý nghiêm những trường hợp tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động lễ hội để tăng giá, ép giá nhằm mục đích trục lợi. Đẩy mạnh các biện pháp bảo tồn và phát huy có hiệu quả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương. Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức các lễ hội dân gian theo nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân; chú trọng giữ gìn và phát triển các lễ nghi truyền thống; giới thiệu, tôn vinh, quảng bá ngành nghề kinh tế thế mạnh của địa phương trong các lễ hội mới và phát huy tốt vai trò tham gia của cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao và du lịch nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi tiêu cực, phản văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng và lễ hội gắn với làm tốt công tác bảo vệ, giữ gìn di tích, danh lam thắng cảnh.
Ngoài ra trong quá trình tổ chức lễ hội, các ban tổ chức lễ hội cần phối hợp với lực lượng chức năng để xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm.
Với sự tham gia tích cực, quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương, chắc chắn rằng công tác quản lý và tổ chức lễ hội tỉnh ta trong thời gian tới sẽ diễn ra nghiêm túc, đúng quy định của phát luật, làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần cho người dân, góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất Bình Thuận.