Những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song, tình hình các mặt của Bình Thuận luôn có sự chuyển biến tích cực, toàn diện. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2015 theo giá so sánh ước đạt 35.079 tỷ đồng, tăng bình quân 9%/năm (giai đạn 2011 - 2015); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, đến năm 2015, tỷ trọng nhóm ngành Công nghiệp - Xây dựng 36,66% (năm 2010 chiếm 34,1%); Dịch vụ 45,92% (năm 2010 chiếm 43,7%); Nông - lâm - thuỷ sản 17,44% (năm 2010 chiếm 22,2%). GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 40,07 triệu đồng (tương đương 1.864 USD) bằng 1,92 lần so với năm 2010. Trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung; nhiều khu đô thị, khu du lịch - dịch vụ đang được đầu tư mở rộng và thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng… Đời sống nhân dân ngày càng ổn định và nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng ngày càng được củng cố vững chắc…
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (sau đây viết tắt là Nghị quyết 48-NQ/TW) và Kế hoạch số 900/UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh tổ chức triển khai, quán triệt nội dung Nghị quyết 48-NQ/TW gắn với Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (sau đây viết tắt là Nghị quyết 49-NQ/TW) cho lãnh đạo các sở, ban, ngành ở tỉnh và các cấp ủy, chính quyền địa phương; nhất là người đứng đầu và cán bộ, công chức các cơ quan tham mưu, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và trực tiếp thi hành pháp luật. Nội dung phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW được bám sát vào 6 định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các nhóm giải pháp về xây dựng và thi hành pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tỉnh.
Trong kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có nhiều đợt kiểm tra, giám sát về công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Thông qua Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp, định kỳ (quý, 6 tháng, một năm) kiểm điểm đánh giá tình hình và kết quả thực hiện công tác cải cách tư pháp; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra các giải pháp và chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, tháo gỡ những vướng mắc trong việc thi hành pháp luật tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trong 10 năm qua, HĐND, UBND các cấp đã ban hành 10.109 văn bản quy phạm pháp luật. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã được xây dựng, ban hành đúng quy trình, trình tự và thẩm quyền theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình của địa phương. Đến nay, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương cơ bản theo đúng các quy định pháp luật và đã đi dần vào nền nếp. Chất lượng văn bản ban hành từng bước được nâng cao. Kết quả nổi rõ nhất là đã xây dựng, ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương từ tỉnh đến huyện tương đối hoàn chỉnh và trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là trong quản lý đất đai, thu hút đầu tư, sử dụng, thu, chi ngân sách.
Các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh và cấp huyện ban hành đã kịp thời thể chế hóa kịp thời đường lối, chính sách, định hướng quan trọng thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của bộ, ngành Trung ương; đặc biệt là, tập trung giải quyết những nội dung bức xúc nảy sinh trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, kinh phí, chế độ chính sách... góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng... góp phần quan trọng trong công tác quản lý, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp ở địa phương.
Quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được đảm bảo. Từ năm 2005 đến nay, 100% văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành đã được thẩm định. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương được HĐND và UBND các cấp chú trọng chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định và có chuyển biến tiến bộ khá rõ, nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ở tỉnh, Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra, giám sát và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài việc kiểm tra văn bản do các địa phương gửi về, hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các cộng tác viên kiểm tra văn bản của tỉnh, tổ chức kiểm tra tại địa bàn tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được HĐND và UBND các cấp chú trọng chỉ đạo thực hiện. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác triển khai thực hiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành được thực hiện kịp thời tại địa phương, đảm bảo yêu cầu và tính khả thi. Thông qua các hoạt động điều tra, khảo sát ở một số lĩnh vực cụ thể về thi hành pháp luật của HĐND các cấp cho thấy ý thức chấp hành Hiến pháp, luật, các quy định của pháp luật ngày càng được nâng lên. Công tác theo dõi thi hành pháp luật được sự quan tâm của các cấp, các ngành và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở địa phương.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, thường xuyên chỉ đạo việc triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý xử lý vi phạm hành chính. Tổ chức tập huấn, chỉ đạo tổng kết công tác theo dõi thi hành pháp luật về quản lý xử lý vi phạm hành chính; thành lập các Đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh theo chương trình trọng tâm của bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo các ngành có liên quan, xây dựng quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Hàng năm, qua các cuộc kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật, nhất là về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, cho thấy: người có thẩm quyền và các cơ quan chức năng của các địa phương cơ sở đã áp dụng, thực hiện tương đối chính xác, thống nhất về nội dung và hình thức văn bản theo quy định của pháp luật. Việc tuân thủ, chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn cấp huyện, cấp xã khá tốt, đa số quyết định xử phạt đều được chấp hành nghiêm túc.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở địa phương như: tuyên truyền miệng, tổ chức hội nghị tập huấn, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (chuyên trang, chuyên mục…), tủ sách pháp luật, câu lạc bộ pháp luật, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tài liệu phổ biến pháp luật, hội thi tìm hiểu pháp luật, hoạt động chỉ đạo điểm, phổ biến pháp luật tại các cơ sở giáo dục, hoạt động xã hội, qua các hoạt động hòa giải cơ sở, qua thực hiện quy ước cơ sở, tổ chức các cuộc thi viết tìm hiểu về pháp luật. Đồng thời, lồng ghép công tác tuyên truyền pháp luật vào các hoạt động phong trào của các hội, đoàn thể ở địa phương để triển khai tổ chức các hoạt động tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bình Thuận đã chủ động xây dựng kế hoạch trợ giúp pháp lý lưu động hàng năm, nhất là trợ giúp pháp lý lưu động cho đồng bào dân tộc thiểu số, người già, người có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho các cộng tác viên ở cơ sở. Qua đó, đã phát huy hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu pháp lý của nhân dân, nhất là giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ ở địa bàn dân cư.
Một số kinh nghiệm: Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật ở Trung ương và địa phương thì trước hết văn bản pháp luật quy định về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật cũng như các cơ chế chính sách có liên quan về bộ máy, nhân sự, biên chế, quy hoạch, đào tạo, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của các cơ quan nhà nước làm công tác pháp luật phải đồng bộ, tránh chồng chéo. Công tác thực thi pháp luật phải tạo được niềm tin trong nhân dân, các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để giải quyết thấu lý đạt tình. Đồng thời, có biện pháp nghiêm minh đối với các đối tượng cố tình không chấp hành pháp luật, góp phần tăng cường pháp chế, nâng cao tính khả thi của văn bản pháp luật. Thường xuyên tiến hành các hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật, nhất là tập trung vào những lĩnh vực có nhiều bức xúc, được dư luận quan tâm nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế của các văn bản pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.