Bình Thuận là một tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung. Phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, Tây Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đông và Đông Nam giáp Biển Đông với bờ biển dài 192 km. Diện tích tự nhiên 7.812,82 km2, trong đó miền núi chiếm 80% diện tích tự nhiên; toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính (01 thành phố; 01 thị xã; 08 huyện, trong đó có 05 huyện miền núi và 01 huyện hải đảo Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 120 km); có 127 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh hơn 1,2 triệu người với 35 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó dân tộc thiểu số chiếm 7% dân số toàn tỉnh, đông nhất là dân tộc Chăm.
Thực hiện Kế hoạch số 70-KH/BDVTW, ngày 26/02/2009 của Ban Dân vận Trung ương về triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; từ năm 2009 đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, khen thưởng các điển hình "Dân vận khéo" vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận và ngày dân vận cả nước (15/10). Đồng thời, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị đã chú ý tuyên truyền, giáo dục đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong 05 năm (2011 - 2015), thông qua phong trào thi đua "Dân vận khéo" các ngành, địa phương đã triển khai xây dựng hàng nghìn mô hình "Dân vận khéo" với 1.728 mô hình tập thể và 1.994 điển hình cá nhân. Cụ thể:
Trên lĩnh vực kinh tế đã xây dựng được 169 mô hình tập thể và 40 điển hình cá nhân; tiêu biểu như: Các cấp hội phụ nữ xây dựng và nhân rộng được 3.367 tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, tổ hùn vốn, tổ giúp nhau mua sắm vật dụng gia đình, tổ giúp nhau tạo việc làm... với 183.348 hội viên tham gia 48,2 tỷ đồng, giúp hàng ngàn lượt phụ nữ thoát nghèo. Các cấp hội nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” đã có 43.320 hộ gia đình đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; qua đó tạo việc làm tại chỗ cho hơn 83.780 lao động, giúp 43.700 lượt hộ nông dân nghèo vay vốn, hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình; mô hình “Luân canh tôm - muối kết hợp” của Hội Nông dân xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, giúp 294 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Đoàn thanh niên các cấp thành lập 334 tổ thanh niên góp vốn giúp nhau lập nghiệp. Công đoàn các cấp tập trung xây dựng mô hình "Tổ tàu thuyền đánh bắt, khai thác hải sản", "Nghiệp đoàn nghề cá". Hội người cao tuổi các cấp với mô hình “giảm nghèo, làm giàu chính đáng” với gần 700 trang trại, doanh nghiệp thu hút hơn 10.000 lao động làm việc... Ngoài ra, còn nhiều mô hình, điển hình được xây dựng ở các địa phương, đơn vị và được đánh giá có hiệu quả cao.
Phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình, dự án cũng được nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện đạt kết quả tốt như: Phong trào làm giao thông nông thôn, làm thủy lợi nhỏ; dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 1, dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết, dự án cấp nước Khu Lê Hồng Phong, dự án Khu công nghiệp chế biến sâu titan; sân bay Phan Thiết, đường Lê Duẩn, đường Hùng Vương, “Đền thờ Liệt sĩ thành phố Phan Thiết”, đường điện Sông Mây - Vĩnh Tân, xây mới Chợ Phan Thiết... Điểm nổi bật là nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt quy chế dân chủ nên nhân dân đồng thuận và tích cực đóng góp kinh phí, đóng góp ngày công, hiến đất, bàn giao mặt bằng... để triển khai thực hiện công trình, dự án đảm bảo tiến độ.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đã xây dựng, nhân rộng được 275 mô hình tập thể và 324 điển hình cá nhân; trong đó công tác đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, nhân đạo từ thiện xã hội, chăm lo người có công cách mạng, đào tạo nghề và giải quyết việc làm,... được chú trọng thực hiện với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, như: Vận động nhân dân đóng góp xây dựng 449 công trình dân sinh/101 tỷ đồng; xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được 27,645 tỷ đồng, Quỹ "Vì người nghèo" trên 86 tỷ đồng, Quỹ "Tiếp bước cho em đến trường" trên 84 tỷ đồng. Đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.279 căn nhà tình nghĩa, 10.791 căn nhà tình thương, 563 căn nhà cho đoàn viên, hội viên khó khăn; cấp 94.985 suất học bổng cho học sinh, sinh viên gia đình nghèo hiếu học. Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành, Mặt trận, đoàn thể cũng đã xây dựng nhiều mô hình, điển hình có hiệu quả, như: Đoàn thanh niên các cấp thành lập 78 đội thanh niên tình nguyện thực hiện các phần việc, công trình thanh niên tại những vùng khó khăn. Hội cựu chiến binh các cấp duy trì 42 tổ, đội tuyên truyền pháp luật, 35 tổ cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi, 21 tổ bảo vệ môi trường. Hội Chữ thập đỏ thực hiện dự án “Hỗ trợ nước sạch và công trình vệ sinh cho các hộ gia đình nghèo”, “Hỗ trợ hòa nhập kinh tế, xã hội và việc làm cho người khuyết tật”; xây dựng 20 điểm chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1... Sở Giáo dục - Đào tạo với mô hình“Mỗi nhà giáo và cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”; mô hình "Dòng tộc hiếu học" cũng được xây dựng ở nhiều địa phương, qua đó giáo dục, giúp đỡ, động viên con cháu vươn lên học tập để lập thân, lập nghiệp và có ích cho xã hội.
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh đã xây dựng được 353 mô hình tập thể và 498 điển hình cá nhân. Tiêu biểu như: Mô hình “Đội dân phòng nữ giữ gìn an ninh trật tự” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, sau 04 năm thành lập (từ năm 2012) đã thực hiện 68 cuộc tuần tra, phát hiện bắt giữ, phối hợp xử lý 88 đối tượng gây rối, 12 vụ trộm cắp, tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, cảm hóa thanh thiếu niên. Mô hình “Cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” của Hội Cựu Chiến bình xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh đã giúp đỡ 272 người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm các vụ việc vi phạm pháp luật, gìn giữ an ninh trật tự trên địa bàn. Mô hình “Trường học an toàn” của Trường Tiểu học Tân Phúc 1, huyện Hàm Tân đã giúp cho nhà trường hàng năm không có học sinh vi phạm an toàn giao thông, không có bạo lực học đường. Mô hình “Tổ Dân phòng nữ thôn Hiệp Tín”, xã Tân Tiến, thị xã La Gi đã thực hiện nhiệm vụ tuần tra, tham gia hòa giải các vụ việc trong thôn, vận động đối tượng trộm cắp ra đầu thú..., góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong thôn xóm. Mô hình “Ánh sáng an ninh” được xây dựng từ năm 2010 ở thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, đến nay mô hình này đã nhân rộng được 50 mô hình ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Công an tỉnh phối hợp triển khai các Đề án: “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nan ma túy”, “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, “Quản lý, giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng”; xây dựng và nhân rộng 123 mô hình “Tự quản, tự phòng bảo đảm an ninh trật tự” ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp xây dựng mô hình “Dòng tộc văn hóa tự quản về an ninh trật tự” tại thôn Bình Đức, Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình; mô hình “Đội thanh niên xung kích giữ gìn an ninh trật tự” xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong. Ngoài ra, các ngành, địa phương đã xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực an ninh - trật tự và hoạt động có hiệu quả đã được nhân rộng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phần thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Trong hệ thống chính trị đã xây dựng 913 mô hình tập thể và 1.132 điển hình cá nhân, đem lại hiệu quả tích cực. Tiêu biểu như: Mô hình “Chính quyền xin lỗi dân khi trễ hẹn” xã Đông Hà, huyện Đức Linh được nhân dân đánh giá cao và đã được nhân rộng ở một số địa phương. Khối Dân vận xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc đã vận động nhân dân hưởng ứng, đồng tình thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiều năm liền cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể đạt vững mạnh. Huyện Tuy Phong thường xuyên tổ chức diễn đàn “Nghe dân nói, nói dân nghe, giúp dân hiểu, làm dân tin” rất được nhân dân đồng tình. Lực lượng Quân sự, Biên phòng tỉnh duy trì và thực hiện tốt phong trào“Thi đua quyết thắng” và phát động xây dựng “Đơn vị Dân vận tốt” đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, chiến sĩ. Lực lượng Công an triển khai thực hiện phong trào “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và “6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” với các mô hình sáng tạo phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ, như: Công an thị xã La Gi với khẩu hiệu “Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, thi đua làm nhiều việc tốt phục vụ nhân dân”; Phòng PC13 với khẩu hiệu “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”; Phòng PB11 với khẩu hiệu “Bí mật, cẩn thận, khôn khéo, kiên nhẫn”; lực lượng công an khu vực với khẩu hiệu “Dân vận khéo để giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn”...
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai các biện pháp, hình thức thích hợp để giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên trong học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận theo phương châm “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Qua đó, đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị có những chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân. Tại Hội nghị tổng kết 04 năm (2011 - 2014) thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 30 tập thể và 52 cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; ông Trần Quang Thọ công chức Chi Cục thuế và ông Nguyễn Mậu Hầu, Giám đốc Kho bạc nhà nước huyện Bắc Bình... là những gương sáng tận tụy với công việc, có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, hướng dẫn, giải quyết cặn kẽ, chu đáo được nhân dân quý mến.
Một số kinh nghiệm rút ra: Các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Mặt trận, các đoàn thể phải làm nòng cốt trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Phải gắn chặt phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; xác định đây là động lực quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào cần tăng cường các hoạt động học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mô hình mới, cách làm hay giữa các địa phương, đơn vị; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Báo, Đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào và các gương điển hình tiêu biểu. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, bảo đảm sức lan tỏa và có tính bền vững của mô hình, điển hình và hiệu quả của phong trào.