Xác định hoạt động của Đoàn luật sư và luật sư là một trong những nội dung trong tiến trình thực hiện cải cách tư pháp. Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố tổ chức và hoạt động của luật sư. Qua 6 năm thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tổ chức Đoàn Luật sư không ngừng được củng cố, kiện toàn, đội ngũ luật sư đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Trong các hoạt động, Đoàn Luật sư tỉnh nhà đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Hoạt động nghề nghiệp của luật sư đã có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp. Điểm nổi bật là, thông qua việc hỗ trợ pháp lý có hiệu quả cho các doanh nhân, doanh nghiệp trong thời gian qua đã góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho việc thu hút đầu tư, kinh doanh và thương mại đối với tỉnh ta. Ngoài lĩnh vực truyền thống như hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình, các luật sư đã mở rộng và phát triển tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế… Từ năm 2009 đến nay, các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 11.123 việc (trong đó, tham gia tố tụng 2.048 việc, tư vấn pháp luật 6.645 việc, đại diện ngoài tố tụng 24 việc, dịch vụ pháp lý 600 việc và trợ giúp pháp luật miễn phí là 1.806 việc)
Quá trình hoạt động, Đoàn luật sư luôn quan tâm rèn luyện, bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho luật sư và người tập sự hành nghề luật sư; tích cực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tham gia ý kiến giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo. Đối với đội ngũ luật sư, qua hoạt động nghề nghiệp của mình đã có nhiều cố gắng đáp ứng được nhu cầu trợ giúp, tư vấn pháp lý cho thân chủ, 100% án chỉ định đều có luật sư tham gia, góp phần quan trọng cho việc hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong tham gia tố tụng, nhiều luật sư từng bước khẳng định trình độ chuyên môn và bản lĩnh khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Thực tiễn cho thấy, trong các vụ án có luật sư tham gia và thông qua công tác tranh tụng, chất lượng xét xử của các phiên tòa được nâng lên, góp phần hạn chế sai sót, tạo được công bằng và khách quan trong quá trình xét xử; giúp Hội đồng xét xử phán quyết một cách chính xác, đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trên thực tế, đội ngũ luật sư của tỉnh phát triển chưa mạnh để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện nay. Các tổ chức luật sư phát triển ở các vùng trong tỉnh không đồng đều, tập trung nhiều nhất tại địa bàn Phan Thiết, chưa phát triển mạnh ở các địa bàn xa thành phố, nên phần nào làm hạn chế và tác động lớn đến nhu cầu về dịch vụ pháp lý của nhân dân. Chất lượng hoạt động tham gia tố tụng của một số luật sư trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa chưa cao, nhất là về kỹ năng tranh tụng. Việc tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trên một số lĩnh vực như kinh tế, thương mại, sở hữu trí tuệ có mặt còn hạn chế. Phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động của Đoàn luật sư còn khó khăn; chế độ thù lao, bồi dưỡng cho luật sư còn ở mức thấp, chưa bảo đảm cho hoạt động của luật sư khi tham gia bào chữa chỉ định. Mặt khác, nguồn quỹ để phục cho công tác luật sư còn hạn chế nên việc trang bị, nâng cấp cơ sở vật chất, bồi dưỡng nghiệp vụ cho luật sư gặp nhiều khó khăn.
Để tiếp tục thực hiện có kết quả Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư”; trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo: 1) Nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở Đoàn Luật sư, chú ý làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và bồi dưỡng phát triển đảng viên, nhất là đối với các luật sư trẻ; phát huy vai trò nòng cốt và tinh thần gương mẫu của luật sư là đảng viên trong hoạt động nghề nghiệp của mình. 2) Nâng cao năng lực hoạt động của Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư. Phát huy vai trò tự quản của Đoàn Luật sư trong việc phát triển đội ngũ luật sư và nâng cao chất lượng hoạt động luật sư; xây dựng đội ngũ luật sư đảm bảo về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu của xã hội, phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng số luật sư toàn tỉnh là 60 luật sư. 3) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hoạt động của luật sư được thực hiện đúng theo đường lối, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. 4) Thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Đoàn Luật sư với các cơ quan tố tụng của tỉnh trong giải quyết các vụ án hình sự, không để xảy ra tình trạng oan, sai của các cơ quan tiến hành tố tụng. 5) Tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như hoạt động của luật sư trên địa bàn. Đồng thời, nghiên cứu, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong kinh phí hoạt động của Đoàn Luật sư trong thời gian tới.