TIN MỚI NHẤT

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở BÌNH THUẬN – MỘT NĂM NHÌN LẠI

Năm 2014, công tác phòng, chống tham nhũng của Bình Thuận có nhiều tiến bộ, đã triển khai đồng bộ các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng được các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Việc bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tham nhũng được các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác PCTN năm 2014

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đấu tranh chống tham nhũng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Đảng ủy Công an tỉnh trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND, ngày 09/01/2015 về việc mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ, tiến hành tự kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng nhằm phát hiện, ngăn ngừa hành vi tham nhũng.

Trên cơ sở quy định của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của các cơ quan hành chính theo hướng nâng cao tính minh bạch và công khai của nền hành chính, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực thuế, tài chính, sử dụng tài sản công, cấp phép, đầu tư xây dựng, đất đai; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác cán bộ…, gắn cải cách hành chính thông qua các hình thức như: niêm yết tại trụ sở, nơi làm việc, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, công bố trên website. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước và giám sát việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng được các địa phương, đơn vị thực hiện tốt. Trong năm, đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 547 cán bộ, công chức; việc chuyển đổi được thực hiện theo kế hoạch, tiến hành dân chủ, công khai, đúng quy định.

Thực hiện Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Thông tư số 08/2013/TT-TTCP, ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ về hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, 100% cán bộ, đảng viên và người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (9.500 người), nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đã thực hiện khá tốt việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. 100% cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc công khai bản kê khai tài sản bằng các hình thức như niêm yết tại đơn vị và công bố trong hội nghị theo quy định, chưa có trường hợp nào phải xác minh việc kê khai minh bạch tài sản thu nhập.

Năm 2014, toàn ngành thanh tra đã triển khai và kết thúc 48 cuộc/48 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; qua thanh tra đã đề nghị hoàn trả số tiền 88,604 triệu đồng nộp trả lại nguồn quỹ của đơn vị để quản lý thu - chi đúng quy định; kiến nghị giảm trừ quyết toán thừa giá trị dịch vụ công ích số tiền 725,341 triệu đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 768,329 triệu đồng; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ 04 vụ, 13 cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật tham nhũng. Trong năm, cơ quan điều tra các cấp khởi tố mới 13 vụ/16 bị can, kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 11 vụ/15 bị can, Tòa án nhân dân 2 cấp đã xét xử sơ thẩm và phúc thẩm 09 vụ/14 bị cáo. Các vụ án còn lại đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt, những người mạnh dạn tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ hai, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; phát huy đầy đủ dân chủ trong Đảng và thực hiện tốt quy chế chất vấn trong Đảng. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải thực sự tiên phong, gương mẫu về đạo đức lối sống, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng.

Thứ ba, thực hiện nghiêm việc kê khai và công khai tài sản theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ. Cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai tài sản theo quy định của pháp luật phải kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn. Chi uỷ tổ chức công khai bản kê khai tài sản của đảng viên trong chi bộ, cấp uỷ tổ chức công khai bản kê khai tài sản của cấp uỷ viên trong sinh hoạt cấp uỷ. Hình thức, thời điểm, phạm vi công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức khác thuộc diện phải kê khai thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm tự kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất ở từng cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa sai phạm. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: xây dựng cơ bản, đất đai, thuế, ngân sách, mua sắm tài sản công...; giải quyết kịp thời đơn, thư tố cáo liên quan đến tham nhũng.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, phát huy vai trò của hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan báo chí và nhân dân trong việc giám sát, phát hiện, tham gia đấu tranh chống tham nhũng./.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP