Theo báo cáo của Ban Điều hành Đề án 100 của tỉnh, từ năm 2007 đến nay, Ban Điều hành Đề án tỉnh đã tích cực tìm kiếm thông tin về các chương trình học bổng để chọn cử ứng viên của tỉnh tham gia; tỉnh đã có 06 lần thông báo và qua kết quả các đợt sơ tuyển, đã chọn cử 51 ứng viên tham gia Đề án, gồm 12 tiến sĩ và 39 thạc sĩ đi học tập, nghiên cứu trong và ngoài nước. Tính đến cuối tháng 5/2011, ngân sách tỉnh đã chi hơn 8.198 triệu đồng để triển khai thực hiện Đề án. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc học ngoại ngữ không đạt yêu cầu theo quy định nên có 22 ứng viên đã rút khỏi Đề án; có 07 ứng viên đã chuyển sang các chương trình học bổng hoặc đề án khác; từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã thu hồi 335 triệu đồng (khoản tiền bồi thường) của các ứng viên xin rút khỏi Đề án 100; còn lại 22 ứng viên tiếp tục tham gia Đề án 100 của tỉnh (04 tiến sĩ, 18 thạc sĩ).
4 năm qua, Ban Điều hành Đề án 100 của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các trường đại học ở nước ngoài, các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ và các tổ chức tư vấn du học để gửi các học viên tham gia đào tạo; đồng thời, thường xuyên theo dõi, quản lý chặt chẽ, kịp thời nắm bắt tình hình học tập và đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến việc học tập của các ứng viên. Bản thân các ứng viên đã có nhiều nỗ lực trong học tập, nghiên cứu và báo cáo kết quả học tập theo đúng quy định. Đối với các ứng viên đã hoàn thành chương trình đào tạo sẽ được UBND tỉnh phân công công tác phù hợp với chuyên ngành đào tạo; đến nay, có 11 ứng viên đã được bố trí công tác tại các sở, ngành, đơn vị như: Trường Cao đẳng Cộng đồng, Sở Giáo dục và Đào tạo, ngành Xây dựng. Trong quá trình công tác, các cán bộ được đào tạo theo Đề án 100 đã tích cực tham gia các hoạt động trao đổi, phiên dịch tại các hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài; một số ứng viên đã được bổ nhiệm hoặc quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; bước đầu đã phát huy tốt hiệu quả đào tạo, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Hiện nay, còn 09 ứng viên (04 tiến sĩ và 05 thạc sĩ)đang tiếp tục học, trong đó 07 người đang học ở nước ngoài, 01 người học theo chương trình liên kết, 01 người đang học luyện thi ngoại ngữ và 02 ứng viên đang chờ làm thủ tục đi học (01 thạc sĩ ngành Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 01 thạc sĩ ngành tiếng Anh).
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Điều hành Đề án 100 của tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được qua 4 năm triển khai thực hiện Đề án 100, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Các ứng viên được tuyển chọn có trình độ ngoại ngữ đầu vào thấp, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ gặp nhiều khó khăn, kéo dài thêm thời gian. Việc liên kết với các trường đại học để đào tạo theo Chương trình một phần trong nước, một phần nước ngoài còn ít. Một số chuyên ngành như: công nghệ thông tin; khoa học môi trường và cảnh quan; khoa học xây dựng; kiến trúc và quy hoạch; bảo tồn, tôn tạo di tích, di sản văn hóa; luật pháp quốc tế; luật kinh tế; cán bộ nghiên cứu, giảng dạy các chuyên ngành tại các trường trung cấp, cao đẳng của tỉnh (trừ ngành tiếng Anh) chưa có ứng cử viên tham gia. Thành viên Ban Điều hành và chuyên viên giúp việc hoạt động kiêm nhiệm, thời gian đầu tư công việc của Đề án chưa nhiều, nên việc tìm kiếm các chương trình học bổng của các tổ chức phi Chính phủ, các cơ quan phát triển giáo dục của nước ngoài còn hạn chế.
Trong thời gian tới, Ban Điều hành Đề án 100 của tỉnh tiếp tục tuyển chọn ứng viên theo mục tiêu của Đề án. Theo đó, đối với mục tiêu đào tạo toàn phần ở nước ngoài, sẽ gắn chương trình đào tạo của Đề án 100 với chương trình đào tạo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng và Đề án 322 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời, phối hợp với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và các công ty tư vấn để cử ứng cử viên có đủ tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài. Tích cực chọn ứng viên là cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh để cử tham gia các chương trình đào tạo 02 gia đoạn (đào tạo một phần ở trong nước và một phần ở nước ngoài) đảm bảo số lượng đã đề ra. Chọn cử cán bộ, công chức, viên chức có đủ điều kiện tham gia chương trình nghiên cứu ở nước ngoài gắn với chương trình nghiên cứu, bồi dưỡng theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Tích cực liên hệ với các Trung tâm ngoại ngữ để cử ứng viên tham gia bồi dưỡng, luyện thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ. Phối hợp chặt chẽ với các trung tâm tư vấn du học để tìm các trường đại học có chất lượng, tiết kiệm kinh phí ngân sách Nhà nước. Có kế hoạch bố trí công tác phù hợp đối với các ứng viên đã hoàn thành chương trình đào tạo theo Đề án 100 của tỉnh…
Bài, ảnh: Minh Hồng