TIN MỚI NHẤT

Một số kết quả qua 2 năm (2006 - 2007) triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • /
  • 3.6.2008 - 0:0

Theo Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg, ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II; tỉnh Bình Thuận có 12 xã được đầu tư theo chương trình. Ủy ban Dân tộc cũng đã công nhận 9 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II của tỉnh để đầu tư hỗ trợ phát triển.

Thực hiện Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg, ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010; UBND tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình 135 của tỉnh; chỉ đạo UBND các huyện tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện, xã và Ban Giám sát xã. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện: Quyết định số 36/2007/QĐ-UBND quy định tổ chức thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 - 2010; Quyết định số 947/QĐ-UBND phân cấp chủ thể quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng các công trình đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh; Kế hoạch số 1903/UBND-KT triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 giai đoạn II; Quyết định số 2285/QĐ-UBND ban hành khung lộ trình thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010; Quyết định số 2286/QĐ-UBND phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch câu cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh phân cấp cho các sở, ngành, địa phương quản lý các dự án hợp phần thuộc Chương trình. Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện quản lý nhà nước và 6/7 huyện, 2 xã làm chủ đầu tư các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; 5/7 huyện và 2 xã làm chủ đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng; Ban Dân tộc thực hiện dự án đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng; các trường thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo thuộc các thôn, xã đặc biệt khó khăn; UBND các xã thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện vệ sinh môi trường, hoạt động văn hóa thông tin và trợ giúp pháp lý.

Từ nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ, trên cơ sở quy hoạch cơ sở hạ tầng của các xã đã được phê duyệt, UBND tỉnh giao Ban Dân tộc phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND các huyện bố trí vốn hàng năm để thực hiện các dự án hợp phần. Theo đó, nguồn vốn kế hoạch thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong 2 năm (2006 - 2007) là 2.263 triệu đồng; thực hiện được 952 triệu đồng, đã cấp phát 261 triệu đồng, đạt 11,3% kế hoạch, đã triển khai 14 mô hình/185 hộ, 4 dự án mua sắm thiết bị và công cụ sản xuất, tổ chức 44 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm cho 2.976 hộ. Đối với dự án cơ sở hạ tầng: vốn kế hoạch năm 2006 là 10.320 triệu đồng, thực hiện được 11.556 triệu đồng, đã cấp phát 6.519 triệu đồng, đạt 68,62% kế hoạch; vốn kế hoạch năm 2007: 10.373 triệu đồng, thực hiện được 14.449 triệu đồng, đã cấp phát 1.689 triệu đồng, đạt 18,7% kế hoạch, đã đầu tư 26 công trình giao thông, 8 công trình thủy lợi, 23 trường học, 6 công trình điện, 9 trạm y tế, 3 chợ, cửa hàng và 1 trạm khuyến nông. Tổng vốn kế hoạch thực hiện dự án đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng trong 2 năm (2006 - 2007) là 980 triệu đồng, đã thực hiện 29 triệu đồng, đạt 3,2% kế hoạch, đã tổ chức 2 lớp đào tạo 150 cán bộ làm công tác dân tộc, quản lý Chương trình 135 về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi; cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II; tổ chức 2 lớp đào tạo 138 cán bộ, hộ nông dân sản xuất giỏi và hộ nghèo tại 5/12 xã về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm; quy chế dân chủ ở cơ sở, phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia giám sát của nhân dân; kỹ năng phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ 1 lớp đào tạo nghề may cho 36 thanh niên dân tộc thiểu số. Ngoài ra, việc đào tạo cán bộ cho các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số và các xã thuộc Chương trình 135 còn được thực hiện theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X), với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh trên 300 triệu đồng/năm. Riêng chính sách hỗ trợ cải thiện đời sống nhân dân, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện điều tra số học sinh nghèo cần hỗ trợ và số hộ nghèo có nhu cầu cải tạo vệ sinh môi trường tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn để báo cáo Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành hỗ trợ vốn thực hiện.

Ngoài nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ, Tỉnh đã lồng ghép các chương trình, dự án khác, nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2002 - 2007, Tỉnh đã cấp 4.774 ha đất sản xuất cho 4.049 hộ; giải quyết cho 3.160 hộ vay 21.864 triệu đồng mua 4.680 con bò cái sinh sản và cấp 186 con bò đực giống; giao khoán 89.060 ha rừng cho 2.447 hộ nhận quản lý, bảo vệ, với mức khoán 100.000 đồng/ha/năm. Trong 2 năm 2006 - 2007, Tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn; trong đó: vốn ngân sách 37.422 triệu đồng; vốn đầu tư kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy 4.500 triệu đồng; vốn theo Quyết định số 134 của Thủ tướng Chính phủ: 10.600 triệu đồng; vốn theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị: 16.100 triệu đồng và vốn dự án hạ tầng cơ sở dựa vào cộng đồng 13.473 triệu đồng.

Nhìn chung, qua 2 năm triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt các thôn, xã đặc biệt khó khăn, nhất là về kết cấu hạ tầng thiết yếu; cải thiện điều kiện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% xã đã có đường giao thông đến trung tâm xã, thôn, bản; hệ thống thủy lợi được đầu tư nâng cấp, nâng số vụ sản xuất lúa nước từ 1 vụ lên 2 - 3 vụ/năm; 100% các thôn, xã đều có đường điện trung, hạ thế, tỷ lệ hộ dùng điện trên 96%; 10/12 xã (trừ xã Mỹ Thạnh, xã La Dạ) đã được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tập trung và lắp đặt thủy kế đến từng hộ, tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt 75%; hệ thống trường lớp từ mầm non đến trung học cơ sở được đầu tư nâng cấp, xóa tình trạng học ca 3, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm. Thông qua việc đầu tư hệ thống thủy lợi, cấp đất sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, chuyển giao kỹ thuật… đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất cho đồng bào, bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa, tạo thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng từ 43,16% năm 2006 xuống còn 38,81% vào cuối năm 2007. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II vẫn còn một số tồn tại: Việc triển khai các dự án hợp phần chưa đồng bộ, còn nặng về dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, trong khi đó dự án đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng chậm thực hiện. Chính sách hỗ trợ, cải thiện đời sống nhân dân triển khai còn lúng túng. Tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng chưa vững chắc, còn xảy ra tái nghèo. Việc đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất còn hạn chế, chưa đồng bộ; chưa thực hiện tốt nguyên tắc “Xã có công trình, dân có việc làm”. Việc phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư công trình chưa nhiều; huy động sức dân để tham gia chương trình còn hạn chế. Việc đánh giá, phân loại các xã đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 chưa kịp thời theo lộ trình đề ra. Công tác thanh tra, kiểm tra của các ngành, các cấp và sự giám sát của nhân dân đối với chương trình chưa nhiều, hoạt động của Ban giám sát xã còn mang tính hình thức. Công tác duy tu, bảo dưỡng và quản lý công trình sau khi bàn giao cho xã còn khó khăn. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng tốt yêu cầu.

                                       Nguồn tin: Theo Báo cáo tháng 5 năm 2008 của Tỉnh uỷ


  • |
  • 1825
  • |

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP