Tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí

  • /
  • 25.7.2011 - 0:0

Trong 6 tháng đầu năm 2011, các ngành, các cấp trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, biện pháp chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; nhờ đó, công tác PCTN của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực

Ảnh có tính chất minh họa (Nguồn: Internet)

Những kết quả khả quan

Ngay từ đầu năm 2011, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, duy trì sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép phổ biến, quán triệt các văn bản về PCTN, lãng phí, triển khai Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 24/02/2011 của Chính phủ, nhất là việc quản lý chi tiêu ngân sách, thực hành tiết kiệm, cắt giảm đầu tư công; các quy định về kê khai tài sản và thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức... gắn với việc học tập, quán triệt các văn kiện Đại hội Đảng các cấp và việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh đã tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức PCTN cho 1.058 cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh đã tổ chức 07 đợt trợ giúp pháp lý tại 22 xã, phường, thị trấn cho 63 lượt cán bộ, công chức, viên chức và 681 lượt người dân; tập huấn, quán triệt pháp luật về PCTN cho 100 cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Các cơ quan thông tin - truyền thông đã đưa các tin, bài về PCTN, lãng phí. Trang thông tin điện tử của Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh đã đăng tải nhiều văn bản về PCTN, lãng phí, công khai thông tin về tình hình, kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng với hơn 364.868 lượt người truy cập, lũy kế đến nay đã có 1,3 triệu lượt người truy cập… góp phần nâng cao nhận thức, hành động cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về PCTN.

Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác PCTN; phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng liên quan đến PCTN.

Bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền; việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực cũng được đẩy mạnh. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh rà soát 11 văn bản quy phạm pháp luật. Qua rà soát cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật đều tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; rà soát các quy trình, thủ tục giải quyết công việc theo cơ chế “một cửa” tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để điều chỉnh, bổ sung theo đúng quy định hiện hành; triển khai thí điểm Dự án “Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa cơ quan Thuế - Kho bạc Nhà nước - Hải quan - Tài chính”. Đến nay, toàn tỉnh có 19/20 sở, ban, ngành, 06 chi cục trực thuộc tỉnh, 04 đơn vị trực thuộc ngành dọc, 02 doanh nghiệp Nhà nước, 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 127/127 xã, phường, thị trấn đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trên một số lĩnh vực; có 19 đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong quản lý hành chính; có 16 đơn vị, địa phương đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ, nâng tổng số cán bộ, công chức, viên chức đã chuyển đổi vị trí công tác lên 768 người. Tổ Kiểm tra 1128 của tỉnh và Sở Nội vụ đã tổ chức 16 cuộc kiểm tra về công tác cải cách hành chính, thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác cải cách hành chính và chất lượng thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều chuyển biến tích cực so với trước. Thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tỉnh đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước được 8,754 tỷ đồng.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến PCTN được chú trọng. Toàn tỉnh đã triển khai 117 cuộc thanh tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật đối với các dự án đầu tư, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, bảo vệ môi trường, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện công tác PCTN... qua đó, đã kiến nghị thu hồi 1,758 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước, 224.421 m2 đất 02 dự án du lịch, chuyển 01 hồ sơ sang cơ quan điều tra, kiểm điểm 16 tập thể và 16 cá nhân. Tổ chức 06 cuộc thanh tra, phúc tra việc triển khai đầu tư các dự án du lịch đã được UBND tỉnh cho gia hạn, các dự án chậm triển khai đầu tư, thực hiện công tác PCTN… qua đó, đã thu hồi 340 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước, 3.018 m2 đất, 02 dự án. Đồng thời, đã tiếp nhận 927 đơn khiếu tố và 1.315 đơn phản ánh, kiến nghị; trong đó có 720 đơn khiếu tố và 769 đơn phản ảnh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước; đã giải quyết 603/720 đơn khiếu tố (đạt 83,75%) và 672/769 đơn phản ánh, kiến nghị (đạt 87,39%). Qua giải quyết khiếu tố, đã phục hồi lợi ích hợp pháp cho công dân với tổng số tiền 1,9 tỷ đồng, 2.270,6 m2 đất nông nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 40,8 triệu đồng, đề nghị khởi tố 01 vụ/01 đối tượng, truy tố 04 vụ/08 đối tượng, lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục 01 đối tượng. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh đã tiếp nhận 12 đơn khiếu tố; đã chuyển 08 đơn đến các địa phương và cơ quan có thẩm quyền giải quyết; chuyển trả 02 đơn khiếu nại; thẩm định, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh giải quyết 02 đơn tố cáo nặc danh.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục thụ lý, giải quyết 14 vụ/16 người có hành vi tham nhũng, với tổng giá trị thiệt hại 3,039 tỷ đồng, đã thu hồi 2,872 tỷ đồng.

Tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Trong 6 tháng cuối năm 2011, tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong công tác PCTN. Trước hết, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, lãng phí gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đưa nội dung PCTN vào chương trình bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo theo chỉ đạo của Trung ương; tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành trong tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động rà soát, bổ sung chương trình, biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện những nội dung về PCTN đã được nêu trong các Văn kiện Đại hội Đảng các cấp; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Tập trung triển khai các quy định, chính sách về cải cách hành chính, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, nhất là ở những khâu công việc hoặc lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt chế độ, định mức tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; kê khai tài sản, thu nhập và tiếp tục chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN, lãng phí; đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư tố cáo tham nhũng của công dân; chú ý phúc tra kết quả thực hiện các kết luận sau kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng. Chủ động trong công tác tự kiểm tra, nhất là tự kiểm tra việc chấp hành quy chế, quy trình nghiệp vụ quản lý và các quy định của pháp luật có liên quan đến trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; tăng cường kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức để kịp thời xử lý, chấn chỉnh những hành vi vi phạm, góp phần ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, chú ý ở xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng ở cấp huyện, cấp tỉnh và các lĩnh vực: quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, quản lý và sử dụng các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý sử dụng tài sản công, đền bù giải tỏa, tái định cư, xây dựng cơ bản… Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng tồn đọng, nổi cộm mà dư luận quan tâm. Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng đang thụ lý và mới phát sinh. 

Tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Chương trình hành động số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”. Tiếp tục củng cố, thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động Ban Chỉ đạo PCTN, lãng phí của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh và các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc các cơ quan: Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh.

Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, Ban thanh tra nhân dân, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề và quần chúng nhân dân đối với công tác PCTN, lãng phí.

Minh Hồng


  • |
  • 1465
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT