Trước hết, công tác giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm; toàn tỉnh đã cấp thêm 125,6 ha/154 hộ và tính chung đến nay, đã cấp 4.874,09 ha/4.185 hộ, bình quân 1,16 ha/hộ. Hầu hết diện tích đất sản xuất đã cấp đều được đồng bào đưa vào sản xuất, phát huy hiệu quả. Một số địa phương, như huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc đang tập trung rà soát quỹ đất, lập thủ tục khai hoang 253,1 ha để tiếp tục cấp cho 329 hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất sản xuất. Cùng với phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi đã đầu tư trên địa bàn và tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn đồng bào thâm canh, tăng vụ, đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển khá; cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục chuyển đổi theo hướng tích cực; từng bước xác lập một số cây trồng phù hợp trên từng vùng. Đến năm 2014, tổng diện tích các loại cây trồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 28.352 ha, tăng 14.783 ha; trong đó: diện tích gieo trồng cây hàng năm 23.326 ha, tăng 10.424 ha; cây lâu năm 5.026 ha, tăng 738 ha so với năm 2009. Một số cây trồng chủ lực như bắp lai, lúa nước đã được chú trọng chuyển đổi phù hợp trên từng vùng; năm 2014, gieo trồng lúa nước 14.637 ha, năng suất bình quân 55 tạ/ha, sản lượng đạt trên 161.000 tấn, tăng 57.000 tấn và diện tích bắp lai 4.651 ha, năng suất bình quân 54 tạ/ha, sản lượng trên 51.000 tấn, tăng 13.000 tấn so với năm 2009, giúp đồng bào chủ động được lương thực tại chỗ; đặc biệt, một số nơi, đồng bào trồng cao su (1.068,7 ha), thanh long (308 ha) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi tiếp tục phát triển; phát huy hiệu quả vay vốn phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X), đã có 3.160 hộ vay 22.035 triệu đồng mua 4.680 con trâu, bò cái sinh sản; đến nay nhiều hộ sau khi bán trâu, bò trả nợ Ngân hàng vẫn còn 5 - 6 con trâu, bò/hộ để phát triển chăn nuôi, góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Công tác giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục duy trì; đã giao khoán quản lý, bảo vệ 86.431 ha rừng cho 2.378 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, bình quân 36,3 ha rừng/hộ; mức kinh phí giao khoán được điều chỉnh tăng từ 100.000 đồng/ha/năm lên 200.000 đồng/ha/năm; bình quân mỗi hộ có thêm thu nhập 7,26 triệu đồng/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư nâng cấp và từng bước được kiên cố hoá; 5 năm (2009 – 2014), đã tập trung đầu tư xây dựng 167 công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí trên 456 tỷ đồng; 100% xã có đường giao thông được nhựa hóa đến trung tâm xã. Các hoạt động thương mại, dịch vụ được duy trì; toàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao có 11 cửa hàng và 13 đại lý ở các thôn xen ghép để phục vụ việc mua, bán của đồng bào. 5 năm qua, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh đã tổ chức cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu, với tổng giá trị trên 19,2 tỷ đồng, trong đó hàng hóa bình ổn giá là 10,2 tỷ đồng; thực hiện chính sách đầu tư ứng trước cho 8.674 lượt hộ/15.940 ha cây bắp lai và 802 lượt hộ/515 ha lúa nước; cung ứng gần 5.950 tấn phân bón các loại, 362,8 tấn lúa giống, 280 tấn bắp giống, 166,85 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại, 164,9 tấn gạo, 3.027,2 tấn muối Iốt cho đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí đạt trên 79,6 tỷ đồng; tổ chức thu mua trên 44.764 tấn bắp lai, trị giá 162,79 tỷ đồng và thu hồi nợ đầu tư ứng trước đạt trên 85%, góp phần hạn chế tình trạng tư thương cho vay nặng lãi, thu mua ép cấp, ép giá sản phẩm của đồng bào.
Các thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu của đồng bào. Hệ thống trường lớp được đầu tư nâng cấp; đội ngũ giáo viên được chuẩn hoá, chất lượng dạy và học được nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng lên; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học đúng độ tuổi và PCGD trung học cơ sở. 5 năm qua, đã đào tạo nghề cho 9.576 lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 17,6% so với tổng số lao động người dân tộc thiểu số; sau đào tạo nghề đã giải quyết việc làm cho 7.660 lao động, có thu nhập bình quân từ 02 triệu đến 03 triệu đồng/người/tháng. Mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố, tăng cường và cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân tại chỗ. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 88,3. Đã giải quyết cho 45.870 lượt hộ nghèo vay 539.064 triệu đồng để phát triển sản xuất; cùng với các chính sách an sinh xã hội, từ năm 2009 đến 2013 giảm được 3.769 hộ nghèo, bình quân giảm 2,68%họ nghèo/năm; tỷ lệ hộ nghèo hiện 15,23%, hộ cận nghèo chiếm 8,93% so với dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững. Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố; đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số có bước trưởng thành và nâng dần hiệu lực, hiệu quả hoạt động, lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục được nâng lên.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể toàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, cần quan tâm là: kinh tế phát triển chưa bền vững và chưa đều giữa các vùng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bấp cập. Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm (đến nay mới cấp được 5.432 ha/3.220 hộ (đạt 36,56% về diện tích và 21,86% về số hộ). Việc phát triển làng nghề truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Thực hiện chính sách đầu tư ứng trước thực hiện chưa đều khắp, chưa đáp ứng nhu cầu nhận đầu tư ứng trước của đồng bào. Một số công trình thiết yếu chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống thuỷ lợi nhỏ, giao thông nội đồng, ...
Chất lượng giáo dục toàn diện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức thấp so với bình quân chung toàn tỉnh. Chương trình dạy tiếng nói, chữ viết và giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc tuy có chú ý thực hiện nhưng chưa sâu rộng, kết quả chưa cao. Tỷ lệ tăng dân số còn ở mức cao, chất lượng dân số thấp, .v..v... Một số tập tục lạc hậu ở một số nơi chậm được khắc phục. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, giảm nghèo chưa bền vững. Trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện và bền vững hơn; thiết nghĩ, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục. Trong quá trình đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Đảng và nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiếu số trong tỉnh. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn đồng bào tiếp cận và ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, năng suất và hiệu quả cây trồng, vật nuôi; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và có giải pháp đồng bộ để phát huy tối đa hiệu quả các công trình đã đầu tư trên địa bàn, gắn với đẩy mạnh phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” đi vào thực chất. Đồng thời, các địa phương tăng cường vận động, giáo dục đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tiếp tục giữ gìn và phát huy hiệu quả sử dụng đất sản xuất được Nhà nước cấp, gắn với thuyết phục đồng bào tích cực tham gia học tập, tiếp thu kinh nghiệm sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Phát huy đúng mức vai trò quản lý của Nhà nước các cấp, nhất là cấp xã trong việc giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn, bảo đảm cuộc sống yên bình cho nhân dân./.
TRẦN TỚI