6 tháng đầu năm 2011: Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp

  • /
  • 13.7.2011 - 0:0

Ban Chỉ đạo An toàn Giao thông tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức sơ kết công tác an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2011 và đề ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011.

Tai nạn giao thông tăng trên cả 3 mặt

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo An toàn Giao thông tỉnh, 6 tháng đầu năm 2011, trong điều kiện còn khó khăn về lực lượng, phương tiện và kinh phí phục vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông, trong khi đó các phương tiện và người tham gia giao thông ngày càng tăng nhanh, nhưng ý thức chấp hành pháp luật của không ít người tham gia giao thông còn hạn chế; tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường, lấn tuyến, không đội mũ bảo hiểm, không hiểu biết pháp luật, tham gia giao thông trong tình trạng nồng độ cồn trong máu cao do uống rượu bia… còn diễn ra khá phổ biến.

Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Ban Chỉ đạo An toàn Giao thông và các lực lượng chức năng cấp tỉnh và cấp huyện đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nhưng tình hình an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2011, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng cả 3 mặt: Tổng số 137 vụ, tăng 35 vụ;  làm chết 144 người, tăng 21 người và làm bị thương 72 người, tăng 30 người so với cùng kỳ năm 2010.

Theo Ban Chỉ đạo An toàn Giao thông tỉnh, tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu và trực tiếp là do ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông còn kém.

Triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông

Nhằm phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương so với 6 tháng đầu năm 2011, Ban Chỉ đạo An toàn Giao thông tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông.

Trước hết, đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các hình ảnh trực quan để mọi công dân, nhất là thanh, thiếu niên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, không phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường, lấn tuyến và không uống rượu bia khi tham gia giao thông; phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông theo đúng quy định.

Phía các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra, rà soát lại các biển báo, phân vạch, điểm đen, phân loại theo thẩm quyền giải quyết, đề xuất các biện pháp khắc phục, trước hết là những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Xác định cụ thể các tuyến đường, các địa bàn thường xảy ra đua xe để phân công lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, giải tỏa nhanh ùn tắt giao thông khi có sự cố xảy ra trên các tuyến đường, nhất là trên tuyến Quốc lộ IA.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nhất là tại các địa bàn, các đoạn, tuyến thường xảy ra tai nạn giao thông, kể cả tại các cảng, các bến đò ngang; đồng thời, siết chặt công tác quản lý phương tiện, chất lượng phương tiện, rà soát, nắm chắc và xử phạt nghiêm minh các đối tượng thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác quản lý hành lang an toàn giao thông trên địa bàn; kiên quyết xử lý các trường hợp dựng lều quán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, nhất là tại các ngã ba, ngã tư, vòng xoay giao thông, khu vực đông dân cư… làm khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông dẫn đến xảy ra tai nạn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Các lực lượng tham gia bảo đảm an toàn giao thông, nhất là công an, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông hiệu quả, bền vững.

Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo An toàn Giao thông cấp tỉnh và cấp huyện. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện cho các lực lượng bảo đảm an toàn giao thông để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, hy vọng rằng trong thời gian tới, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ giảm trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương.

                                                                                       Bài, ảnh: Minh Hồng


  • |
  • 1109
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT