Tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ tham gia cấp ủy và cơ quan dân cử

Phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển đất nước, thể hiện qua tỷ lệ nữ tham gia trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng tăng, nhất là trong hệ thống chính trị. Sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý được coi là thước đo cơ bản về vai trò phụ nữ trong nền chính trị hiện đại.

Đ/c Dương Văn An - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo

Hiện nay, số cán bộ nữ tham gia công tác quản lý nhà nước giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong hệ thống chính trị nhiều hơn so với trước. Qua đó, có thể khẳng định phụ nữ ngày càng được hỗ trợ, tạo nhiều cơ hội, điều kiện để tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội.

Đối với tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, công tác quy hoạch cán bộ nữ lãnh đạo quản lý và tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp, tham gia vào cơ quan dân cử các cấp nhiệm kỳ sau tăng so với nhiệm kỳ trước. Cán bộ nữ được quy hoạch các chức danh chủ chốt cấp tỉnh nhiệm kỳ 2010 – 2015, tỷ lệ 15,73%; nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỷ lệ 20,98% (tăng 5,25%); nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỷ lệ 28,88% (tăng 7,9%). Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2010 – 2015, tỷ lệ 22,40%; nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỷ lệ 30,38%; nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỷ lệ 39,32% (tăng 9,34% so với nhiệm kỳ 2015 – 2020). Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các cấp ủy cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỷ lệ 29,45% (tăng 14,99% so với nhiệm kỳ 2010 – 2015); tham gia cấp ủy cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỷ lệ 22,8% (tăng 7,1% so với nhiệm kỳ 2010 – 2015). Cán bộ nữ đại biểu Quốc hội - khóa XIV có 02/07 đồng chí, chiếm tỉ lệ 28,57% , đạt chỉ tiêu 01 - 02 đại biểu nữ theo Chương trình hành động số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI. Đại biểu nữ tham gia HĐND cấp tỉnh (khóa X) có 15/54 đại biểu, tỷ lệ 27,78% (tăng 8,55% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện có 93/372 đại biểu, tỷ lệ 25% (tăng 4,9% so với nhiệm kỳ trước); cấp xã có 1.014/3.546 đại biểu, tỷ lệ 28,6% (tăng 4,83% so với nhiệm kỳ trước).

Tuy  nhiên, tỷ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử như đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vẫn chưa nhiều, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015 – 2020 chiếm tỷ lệ 12%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra 15%. Vai trò của cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp ở một số nơi chưa phát huy đúng mức. Có nhiều nguyên nhân tác động, chi phối tỷ lệ nữ tham gia không cao trong hệ thống chính trị - xã hội, như: cơ chế, chính sách chưa cụ thể; rào cản định kiến về giới; một bộ phận phụ nữ vẫn còn biểu hiện tự ti, an phận, chưa có ý chí phấn đấu vươn lên.

          Để tạo cơ hội nhiều hơn cho nữ giới tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội, tăng tỷ lệ nữ đại biểu trong các cơ quan dân cử; thiết nghĩ trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp, các sở, ngành, các cơ quan thông tin truyền thông cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, quan điểm và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Thúc đẩy chị em, phụ nữ ở từng cơ quan, đơn vị không ngừng phấn đấu nỗ lực vươn lên để tự khẳng định được vai trò, vị trí của chính mình. Quan tâm xây dựng, phát triển đồng bộ, có tính kế thừa liên tục trong xây dựng đội  ngũ cán bộ nữ. Cần có giải pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu nữ cấp ủy, nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các cấp ủy từ 25% trở lên; trong tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần có ít nhất 01 cán bộ nữ. Trong công tác quy hoạch cán bộ nữ phải tiến hành theo phương châm “động” và “mở”, gắn quy hoạch với đề bạt, bổ nhiệm, khắc phục tình trạng quy hoạch hình thức. Mạnh dạn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ có tiềm năng, có tố chất và khả năng phát triển. Tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết. Đồng thời, các cấp Hội phụ nữ tích cực, chủ động phối hợp với Ban Tổ chức, cấp ủy và ngành Nội vụ chính quyền rà soát, tham mưu, đề xuất với cấp ủy nhân tố nữ tiêu biểu để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và có kế hoạch sử dụng, nhất là trước kỳ Đại hội Đảng và bầu cử đại biểu HĐND các cấp; tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, tập trung trang bị kỹ năng lãnh đạo, quản lý..., đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài ra, bên cạnh sự hỗ trợ của tổ chức, bản thân chị em phụ nữ ở các cấp, các ngành cần nỗ lực hết sức và tận dụng mọi cơ hội để tự nâng cao trình độ, kỹ năng, tham gia nhiều hơn vào công tác lãnh đạo của cấp ủy, cơ quan, đơn vị; từ đó, tự khẳng định được vai trò và vị trí của chính mình./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT