Bình Thuận chuẩn bị cho năm học mới 2008 – 2009

  • /
  • 18.9.2008 - 0:0

         Về phát triển trường lớp: Dự kiến năm học 2008 – 2009, toàn tỉnh có 279.117 học sinh các cấp đến trường; trong đó nhà trẻ, mầm non 41.258 cháu, tiểu học 111.344 em, Trung học cơ sở 97.739 em, Trung học phổ thông 46.776 em; so với năm học trước tăng khoảng 4.200 em, trong đó tăng nhiều nhất là Trung học phổ thông 3.100 em (riêng học sinh tiểu học giảm khoảng 2.400 em).

          Về đội ngũ giáo viên: Ngành Giáo dục đang khẩn trương rà soát, sắp xếp, điều động, thuyên chuyển và tiếp nhận giáo viên để đảm bảo nhu cầu giáo viên trong năm học mới. Nếu tính theo chuẩn quy định về tỷ lệ giáo viên/lớp thì toàn tỉnh còn thiếu 1.022 giáo viên, trong đó nhà trẻ, mẫu giáo 610, Trung học phổ thông 412 giáo viên. Giáo viên Tiểu học và Trung học cơ sở về số lượng tổng thể không thiếu (có nơi thừa) nhưng có tình trạng thiếu, thừa cục bộ ở từng bộ môn (thiếu các môn nhạc, hoạ, thể dục; thừa các môn toán, lý, hóa, anh ngữ...).

        Về sách giáo khoa: Ngay từ tháng 5/2008, Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học đã nhập và chuyển sách về các địa phương. Hiện nay sách giáo khoa và sách tham khảo các loại dành cho học sinh các cấp có 2.170.146 bản. Số sách này đã được chuyển đến các trường học và 51 đại lý, hệ thống bán lẻ trong toàn tỉnh; cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu của giáo viên và học sinh. Ngoài ra, Công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học đã tổ chức thu mua lại sách giáo khoa cũ để phục vụ nhu cầu và giảm bớt chi phí cho phụ huynh học sinh, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng đã chuyển đến các Phòng Giáo dục - Đào tạo, các Trường THPT 448 bộ sách giáo khoa để tặng cho các học sinh là con thương binh liệt sĩ, học sinh nghèo, giúp cho các em có điều kiện học tập tốt hơn.

         Về cơ sở vật chất: Những năm qua bằng nhiều nguồn vốn của tỉnh và các địa phương đã đầu tư xây dựng, sửa chữa khá nhiều trường lớp, phòng chuyên môn, phòng chức năng... theo hướng kiên cố hóa để phục vụ cho việc dạy và học. Việc chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2008 - 2009 đã được lãnh đạo tỉnh và các địa phương quan tâm chỉ đạo, nên nhìn chung cơ bản đảm bảo nhu cầu về trường lớp, phục vụ cho năm học mới. Một số công trình thuộc dạng bức xúc cũng đã được UBND tỉnh ghi vốn triển khai trong năm 2008 (vốn trái phiếu Chính phủ đã phân khai 50,5 tỷ đồng cho các địa phương). Năm nay, toàn tỉnh xây mới 362 phòng (bao gồm phòng học, phòng thí nghiệm - thực hành và nhà hiệu bộ); các địa phương đang tích cực triển khai; có công trình đang thi công, có công trình đang hoàn tất thủ tục để triển khai thi công.

            Tuy nhiên, do ảnh hưởng tình hình chung về giá cả; công tác chuẩn bị hồ sơ thủ tục, việc giải phóng mặt bằng và việc phân khai nguồn vốn còn chậm nên một số công trình không kịp đưa vào sử dụng trước khai giảng; các địa phương cũng đã có giải pháp là mượn phòng học của các trường ở gần trong khi chờ hoàn thành phòng học mới. Mặt khác, hiện nay số trường, phòng học cấp 4 xuống cấp còn chiếm tỷ lệ khá lớn, trong đó không ít phòng đã xuống cấp nặng do thời gian sử dụng đã quá lâu (nhất là ở bậc mầm non và tiểu học); các Trường THPT, THCS hầu như đều thiếu các phòng chức năng; còn khá nhiều trường học chưa có công trình vệ sinh, hệ thống nước, tường rào; số trường đạt chuẩn còn rất ít. Do vậy, thời gian tới Tỉnh cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng, sửa chữa trường, lớp theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hoá để vừa đáp ứng tốt yêu cầu của việc dạy và học, vừa bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh. Triển khai sớm việc cấp phát quần áo, đồ dùng học tập... cho học sinh dân tộc thiểu số ngay từ đầu năm học để các em có điều kiện đến lớp. Ngành Giáo dục cùng với chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp tổ chức tốt ngày "Toàn dân đưa trẻ đến trường", bằng mọi biện pháp vận động tối đa học sinh ra lớp, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học.

     Nguồn tin: Theo báo cáo tháng 7/2008 của Tỉnh uỷ


  • |
  • 955
  • |

Các tin khác