Tình hình hoạt động của các điểm bưu điện văn hoá xã trên địa bàn Bình Thuận

  • /
  • 17.9.2008 - 0:0

Tính đến tháng 06/2008, toàn tỉnh có 94 điểm Bưu điện văn hoá xã (BĐVHX) đang hoạt động (có 74/96 xã có điểm BĐVHX); hầu hết các vị trí đầu tư xây dựng đều thuận lợi, được UBND huyện cấp miễn phí tại khu vực UBND xã, diện tích bình quân khoảng 150m2/điểm; thiết kế theo mẫu của VNPT, diện tích xây dựng khoảng 50m2, suất đầu tư cho điểm BĐVHX khoảng 70 triệu đồng với đầy đủ hệ thống điện nước, đèn chiếu sáng, bàn ghế, quầy dịch vụ, tủ điện thoại, tủ sách được trang bị đồng bộ, khang trang và lịch sự. Nhân viên quản lý do UBND xã giới thiệu, được ngành bưu điện tập huấn, đào tạo cơ bản về nghiệp vụ bưu chính, viễn thông, internet. Số lượng đầu sách trang bị ban đầu cho mỗi điểm là 1,5 triệu đồng và bổ sung hàng năm khoảng 0,5 triệu đồng, mỗi điểm có từ 150 – 200 đầu sách gồm nhiều lĩnh vực: khoa học, nông - lâm - ngư nghiệp, kinh tế, chính trị, văn học; trong 10 năm qua tổng số sách báo được bổ sung của các điểm BĐVHX khoảng 17.797 cuốn; số điểm có truy nhập internet 37 điểm (trong đó có 17 điểm truy nhập internet băng rộng, 20 điểm truy nhập dial – up) chiếm 39,36%; với kinh phí hoạt động mỗi năm gần 3,1 triệu đồng/điểm.  Ngoài ra, một số huyện có lưu chuyển sách từ các thư viện huyện đến các điểm BĐVHX và tổ chức một số hoạt động dịch vụ khác như: Bưu chính, viễn thông (điện thoại), chuyển phát thư, báo, tiền, bán bảo hiểm bưu điện, truy nhập internet; một số nơi có thêm dịch vụ bán điện thoại và linh kiện điện thoại, một số văn hoá phẩm…).

Nhìn chung lại, việc xây dựng và hoạt động của các điểm BĐVHX trong thời gian qua đã góp phần giúp địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền đến nhân dân; khơi dậy phong trào học tập, tìm hiểu kiến thức trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào khu vực nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có nơi nhiều điểm BĐVHX mới tập trung vào kinh doanh, dịch vụ, không chú trọng mảng văn hoá. Đối tượng đến BĐVHX chủ yếu là một số cán bộ xã, cán bộ hưu trí, còn lại hầu hết là học sinh phổ thông; lực lượng nông dân cần cập nhật các thông tin kinh tế - kỹ thuật, cần nắm chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước đến BĐVHX không đáng kể. Cơ chế hoạt động thiếu năng động, sáng tạo, các dịch vụ không theo kịp sự phát triển. Các loại sách báo trang bị ban đầu cũng như bổ sung hằng năm chưa đáp ứng yêu cầu, chưa theo dõi, kiểm tra thường xuyên việc chọn và mua sách phù hợp với đặc điểm từng địa bàn nông thôn. Việc phát huy các thiết bị, báo chí, văn hoá phẩm được đầu tư, trang bị tại BĐVHX hiệu quả còn hạn chế...

Nguồn tin: Theo báo cáo tình hình tháng 8/2008 của Tỉnh uỷ


  • |
  • 1107
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT