Tình hình mất điện đột xuất ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân

  • /
  • 24.7.2008 - 0:0

  Thời gian qua, tình hình mất điện xảy ra khá nhiều nơi, trong đó có nhiều trường hợp mất điện không được thông báo trước đã gây trở ngại cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh. Từ đầu tháng 6/2008 đến ngày 03/7/2008, ngoài việc phải cắt điện để thực hiện công tác nâng cấp, sửa chữa lưới điện theo lịch, Điện lực Bình Thuận phải tiến hành cắt tiết giảm đột xuất theo lệnh của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Miền Nam, bị sa thải phụ tải do rơle 81 (rơle tần số tự động bật ra để cắt phụ tải) và cắt đột xuất trên các tuyến 110KV. Cụ thể là: đã cắt khẩn cấp do thiếu công suất 25 ngày với mức từ 5MW đến 26MW, trong đó 16 ngày ở mức 26MW; sa thải phụ tải do rơle 81 là 25 ngày, có ngày bị cắt 6 tới đợt (ngày 16/6/2008); 06 ngày bị cắt đột xuất trên các tuyến truyền dẫn 110 KV, có ngày bị cắt 5/6 trạm 110KV. Theo Điện lực Bình Thuận, nguyên nhân bị mất điện đột xuất là do hệ thống phụ tải điện Quốc gia trong những ngày qua thường xuyên phải duy trì ở mức cao và vận hành trong tình trạng thiếu công suất trầm trọng (thiếu khoảng 1.500KW).

            Trong khi đó, một số nhà máy điện xây dựng mới không đảm bảo phát điện được theo kế hoạch như: Nhà máy điện Cà Mau 1, Nhà máy điện Cà Mau 2, Nhà máy điện Nhơn Trạch, Nhà máy điện Uông Bí  MR1; mặt khác các hồ thủy điện ở miền Bắc như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang phải thực hiện các đợt xả nước để phục vụ sản xuất vụ vừa tăng công suất hoạt động trong mùa nắng nóng nên mực nước xuống rất thấp, các hồ nước thủy điện tại khu vực Miền Trung và Miền Nam đang nằm ở gần mực nước chết. Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải huy động các nguồn điện khác như mua điện của các nhà máy Hiệp Phước, Amata, Formosa, Cái Lân, và mua điện của Trung Quốc,  huy động thêm Tuabin khí chạy dầu DO và Diesel (giá thành khá cao)... nhưng cũng khó có thể đáp ứng các nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao.

            Tình trạng mất điện xảy ra khá thường xuyên và nằm ngoài khả năng điều hành của mình nên Điện lực Bình Thuận đã đề nghị Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Miền Nam xem xét lại phương thức vận hành, nếu khó khăn thì báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phân bổ sắp xếp lại lịch cắt điện luân phiên và thông báo công khai với khách hàng để khách hàng chủ động trong việc sử dụng điện. Khi phải cắt điện đột xuất thì không cắt các tuyến đường dây 110 KV làm mất điện trên diện rộng mà nên cắt theo phát tuyến 22KV tại các trạm 110KV theo thứ tự ưu tiên đã đăng ký trước để hạn chế phạm vi cắt điện. Việc mất cân đối về nguồn điện của hệ thống điện Quốc gia với  khoảng 1.500KW như hiện nay là khá lớn (gấp gần 5 lần công suất của Nhà máy thủy điện Đại Ninh), trong khi nhu cầu phụ tải tăng nhanh hơn khả năng đáp ứng về nguồn điện nên tình trạng mất điện trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục xảy ra. Vì vậy, ngoài biện pháp kêu gọi người dân tiết kiệm điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư nguồn điện sớm triển khai và đi vào hoạt động, trong đó có các dự án trên địa bàn tỉnh như: Nhiệt điện Vĩnh Tân, Thủy điện La Ngâu, Thủy điện Bắc Bình... Bên cạnh đó, Điện lực Bình Thuận và các công ty cổ phần điện nông thôn hoạt động kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh cần tranh thủ thời gian tiết giảm điện để thực hiện các công tác duy tu, bảo dưỡng, cải tạo lưới điện, xây dựng nhiều phương án cấp điện phù hợp để vừa tận dụng hết công suất cho phép phục vụ sản xuất và sinh hoạt, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân, vừa bảo đảm an toàn cho hệ thống điện quốc gia. 


  • |
  • 1440
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT