Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp

  • /
  • 18.6.2013 - 17:30

Sáng ngày 18/6/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm (2002 - 2012) thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và sơ kết 5 năm (2008 - 2013) thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 01/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Minh Hòa)

Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử có bước phát triển về số lượng, chất lượng

Toàn tỉnh đã phát hành 72 quyển sách lịch sử, nâng tổng số sách lịch sử được phát hành từ năm 1984 đến năm 2012 đạt 153 quyển; đang tiếp tục biên soạn 85 quyển sách lịch sử. Các tập sách lịch sử đã xuất bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, nội dung thống nhất với lịch sử Đảng bộ tỉnh; đồng thời, thể hiện những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm phong phú thêm lịch sử Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt, từ Đảng bộ tỉnh đến các đảng bộ trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống qua 02 giai đoạn: kháng chiến và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống đã được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh; nhiều bia ghi danh, bia chiến tích được trùng tu, xây mới; các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền về lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương, nhất là nhân dịp các ngày lễ kỷ niệm của quê hương, đất nước; nội dung lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương được đưa vào chương trình giảng dạy của Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố và các trường phổ thông. Nhờ đó, đã góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của địa phương; ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là ở cấp xã chậm triển khai viết lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ở các cấp ủy trực thuộc còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều việc. Công tác sưu tầm, bổ sung, lưu trữ, bảo quản tư liệu lịch sử thành văn còn nhiều hạn chế. Nội dung lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương được đưa vào chương trình giảng dạy  trong trường học còn bất cập. Kinh phí phục vụ biên soạn lịch sử còn khó khăn; chế độ kinh phí chi trả cho người trực tiếp biên soạn lịch sử còn thấp, chưa tương xứng với đặc thù công việc...

Kinh nghiệm rút ra

Một là, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp là công việc khó, đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên và sâu sát của cấp ủy, trực tiếp là ban thường vụ cấp ủy. 

Hai là, phải phát huy đúng mức vai trò tham mưu, hướng dẫn của ban tuyên giáo cấp ủy các cấp; nhất là trong việc hướng dẫn chuyên môn, tham gia thẩm định khoa học các công trình nghiên cứu lịch sử trước khi in ấn, phát hành; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử các cấp. Phối hợp với ngành giáo dục đưa nội dung lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy trong các trường học.

Ba là, phải chú trọng đúng mức việc lưu trữ tài liệu để phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp; đồng thời, phải tôn trọng và tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng các tập sách lịch sử.

Bốn là, tăng cường xây dựng lực lượng biên soạn lịch sử để đáp ứng tốt yêu cầu công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp; trong đó, việc hợp đồng người tham gia biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp phải thật sự là những người có khả năng, có tâm huyết, có trách nhiệm và am hiểu tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp

Thời gian tới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) và Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI), nhất là về ý nghĩa đặc thù và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp; đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử cả 02 giai đoạn: kháng chiến và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu hoàn thành vào năm 2015, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020).

Quá trình đó, cần phát huy đúng mức vai trò và sự quyết tâm của ban thường vụ, thường trực cấp ủy các cấp; đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đẩy nhanh tiến độ biên soạn, thẩm định, phát hành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; đưa nội dung lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy trong các trường học theo quy định; mở thêm chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp trên báo, đài địa phương…

Bài, ảnh: Minh Hòa


  • |
  • 1406
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT