CÁN BỘ, HỘI VIÊN, NÔNG DÂN TỈNH BÌNH THUẬN ĐOÀN KẾT - SÁNG TẠO - THI ĐUA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

  • /
  • 12.4.2013 - 11:1

Sáng ngày 11/4/2013, đồng chí Huỳnh Văn Tí - Bí thư Tỉnh ủy đến dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận lần thứ VII, nhiệm kỳ 2013 - 2018

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã biểu dương tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và những thành tích mà lực lượng nông dân và các cấp Hội Nông dân tỉnh nhà đã đạt được trong nhiệm kỳ qua; đồng thời, đề nghị Đại hội quan tâm thêm một số vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp, tổ chức Hội Nông dân các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần giúp cho đội ngũ cán bộ, hội viên, nông dân nhận rõ vai trò, vị trí của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”; giúp cho mọi cán bộ, hội viên, nông dân nắm vững, nắm đầy đủ, kịp thời và chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai, đến biển đảo; không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, truyền thống lao động cần cù và sáng tạo, nêu cao ý chí vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của chúng ta.

Thứ hai, từng cấp hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và phương thức hoạt động, chuyển mạnh hơn nữa hoạt động về cơ sở, sâu sát cơ sở, sâu sát với nông dân; hướng trọng tâm hoạt động của các cấp hội vào 03 mục tiêu sau:

Một là, bảo vệ và góp phần thiết thực chăm lo lợi ích của nông dân, nắm bắt, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời, có hiệu quả những nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc phát sinh trong đời sống nông dân; phát huy tốt vai trò là chỗ dựa vững chắc của hội viên và nông dân; đồng thời là cầu nối giữa nông dân với các cấp ủy, chính quyền các cấp; cùng với chính quyền các cấp giải quyết tốt các vụ việc khiếu nại của nông dân.

Hai là, nâng cao vai trò của tổ chức Hội và của nông dân trong xây dựng xây dựng nông thôn mới với những việc làm cụ thể, thiết thực. Theo đó, các cấp hội cần tiếp tục phối hợp chặt với các cơ quan chức năng làm tốt hơn nữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn tín dụng trong nông dân. Đẩy mạnh hướng dẫn và phát động sâu rộng phong trào sản xuất sạch trong nông nghiệp và ngư nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, giữ vững uy tín và thương hiệu các loại nông sản lợi thế của tỉnh như thanh long, nước mắm, tôm, mủ trôm... trong đó đặc biệt là quả thanh long; cùng với tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Xây dựng đời sống văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; làm tốt hơn công tác đào tạo nghề cho nông dân dưới những hình thức phù hợp, có hiệu quả.

Mặt khác, Hội Nông dân tỉnh cần phối hợp chặt với ngành nông nghiệp sơ kết, nhân rộng mô hình bám biển dài ngày trên cơ sở khép kín quy trình khai thác - đánh bắt - hậu cần - chế biến trên biển. Phối hợp chặt  với Bộ đội Biên phòng sơ kết, rút kinh nghiệm hoạt động của mô hình tổ đoàn kết khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh sơ kết mô hình nghiệp đoàn nghề cá nhằm không ngừng tạo điều kiện để ngư dân đoàn kết giúp nhau bám biển, khai thác, đánh bắt hải sản và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh trên biển.

Ba là, thông qua nhiều hình thức cụ thể, phù hợp và có hiệu quả, các tổ chức Hội Nông dân các cấp cần phát huy tốt vai trò tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát và tham gia quản lý nhà nước; trước mắt, tiếp tục động viên đội ngũ cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực tham gia góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được triển khai với tinh thần thực sự dân chủ và kiên quyết bảo vệ Đảng, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Thứ ba, thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức Hội Nông dân các cấp vững mạnh, đúng thực chất; chú trọng xây dựng, củng cố, phát huy vai trò của tổ chức chi Hội, tập trung đúng mức ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển, gắn với tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kết nạp hội viên mới. Cần coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp thực sự tâm huyết, có phẩm chất, có uy tín, nắm chắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xông xáo, năng động, có kỹ năng nghiệp vụ tốt, hết sức chú ý đến đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

Thứ tư, tổ chức Hội Nông dân các cấp cần nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của mình trong đời sống xã hội nói chung, trong nông dân và nông nghiệp nói riêng để từ đó, không ngừng phấn đấu nỗ lực vươn lên; bên cạnh đó, cần bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự lãnh đạo của cấp ủy, chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành và Mặt trận, đoàn thể dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, nhằm tạo thêm sức mạnh trong quá trình hoạt động. Mặt khác, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh, theo chức năng của mình có kế hoạch và những biện pháp cụ thể nhằm không ngừng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện và vững chắc, ra sức thực hiện thật tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống nông dân trong tỉnh; đồng thời, tiếp tục có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, kịp thời và có hiệu quả, bằng những hành động thiết thực, tạo mọi thuận lợi để tổ chức Hội Nông dân các cấp tỉnh nhà có điều kiện vươn lên trong hoạt động, hoàn thành tốt trọng trách được giao./.

                                                            THU THẢO - VPTU


  • |
  • 1504
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT