Trong thời gian tham dự kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khoá XII, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã có cuộc họp với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp - PTNT và đại diện lãnh đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cục, vụ của Bộ Nông nghiệp - PTNT. Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Bình Thuận để nghe báo cáo đóng góp ý kiến chuẩn bị phê duyệt dự án đầu tư hệ thống thủy lợi Tà Pao. Đây là công trình đã được cử tri và Đoàn ĐBQH tỉnh ta kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI đến nay. Dự án hệ thống thủy lợi Tà Pao sẽ do Bộ Nông nghiệp - PTNT làm chủ đầu tư với số vốn trên 2.700 tỷ đồng do Trung ương đầu tư gồm công trình đầu mối và 2 hệ thống tuyến kênh chính Bắc dài 21 km và tuyến kênh chính Nam dài 20 km. Công trình sẽ phục vụ tưới cho 20.340 ha đất nông nghiệp của 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh; đồng thời dự án còn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, điều tiết lũ và phát triển khu công nghiệp, kết hợp phát triển giao thông nông thôn và xây dựng các khu dân cư của địa phương. Dự kiến công trình thi công và hoàn thành trong 5 năm.
Được biết, sau cuộc họp này, Bộ Nông nghiệp - PTNT sẽ tổng hợp hồ sơ thủ tục của dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trong tháng 6/2008 Bộ sẽ phê duyệt chính thức; đồng thời tiếp tục triển khai các công việc còn lại, đến cuối năm 2008 hoàn thành việc phê duyệt dự án, đấu thầu để đầu năm 2009 khởi công công trình này. Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Đào Xuân Nay đề nghị Bộ Nông nghiệp - PTNT, các bộ, ngành liên quan và Văn phòng Chính phủ cần đẩy nhanh các bước phê duyệt để công trình sớm khởi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; mặt khác, quá trình thi công 5 năm là quá dài, đề nghị cần rút ngắn hơn và khi khởi công đập, công trình đầu mối thì cho thi công luôn hệ thống tuyến kênh để khi đập đã tích nước là có nước dẫn về tuyến kênh chính và cả các tuyến kênh nội đồng phục vụ sản xuất; không để diễn ra tình trạng khi đập tích nước nhưng kênh thì chưa làm, nông dân không sản xuất được, dẫn đến sự lãng phí trong sử dụng tài nguyên nước và hiệu quả của công trình.