Đại hội Đảng bộ huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) lần thứ VII: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

  • /
  • 23.8.2010 - 0:0

Từ ngày 19 - 20/8, tại thị trấn Liên Hương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tuy Phong đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VII, nhiệm kỳ 2010-2015. Tham dự Đại hội có 218 đại biểu chính thức đại diện cho 1.711 đảng viên của 54 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc. Đồng chí Huỳnh Văn Tí - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

         Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tuy Phong (khóa VI) đã nêu rõ: Trong 5 năm qua, với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, Đảng bộ đã chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI đạt được những kết quả khá quan trọng và toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 11,62%. Kinh tế thủy sản tiếp tục phát triển, với tổng năng lực tàu thuyền 2.035 chiếc/113.469 Cv, công suất bình quân đạt 55,76 Cv/thuyền, trong đó có 268 thuyền có công suất từ 90 Cv trở lên. Nuôi trồng thủy sản đã phục hồi cả về quy mô và sản lượng với tổng diện tích nuôi tôm 530 ha, sản lượng đạt 3.400 tấn/năm. Sản xuất tôm giống phát triển ổn định, hiện có 114 cơ sở với sản lượng tôm giống sản xuất đạt 6 tỷ post, vượt 2 tỷ post so với chỉ tiêu đề ra. Đã phát huy hiệu quả tưới của các hồ thủy lợi: Sông Lòng Sông, Đá Bạc phục vụ sản xuất nông nghiệp; sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 18.000 tấn, tăng 20% so với kế hoạch. Các loại cây trồng như: nho, bông vải, thanh long tiếp tục phát triển. Trong 5 năm (2006-2010), toàn huyện đã trồng mới 914,4 ha rừng, nâng độ che phủ của rừng từ 43% lên 50%.

          Công nghiệp - xây dựng tăng cả về số lượng và chất lượng; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân trong 5 năm (2006-2010) đạt 18,15%. Một số sản phẩm chủ yếu có bước phát triển so với mục tiêu Nghị quyết đề ra như: muối, nước khoáng, đá xây dựng… Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân đang triển khai xây dựng; dự án phong điện Bình Thạnh đã lắp xong 5 tua bin và đã đi vào sản xuất điện. 12/12 xã, thị trấn của huyện đã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện trên 98%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trên 75%.

          Hoạt động dịch vụ du lịch có chuyển biến tích cực, hàng năm thu hút khoảng 370.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Thu ngân sách tăng bình quân hàng năm 13,8%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; trong 5 năm qua, đã huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.131,9 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất và phúc lợi xã hội. Điều đáng lưu ý là huyện đã thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn như: nhiệt điện Vĩnh Tân, phong điện Bình Thạnh, tổng kho trung chuyển xăng dầu Hòa Phú. Đây là những nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những năm tới.

          Bên cạnh việc phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết; giáo dục - đào tạo có chuyển biến khá; chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên, 100% xã, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia về y tế; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được quan tâm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì và phát triển; thường xuyên chăm lo đầu tư phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

          An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định. Công tác xây dựng Đảng đã đạt được những kết quả tiến bộ. Hệ thống chính trị được củng cố; chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Huỳnh Văn Tí - Bí thư Tỉnh ủy, đã biểu dương những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân huyện Tuy Phong đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đáng chú ý là huyện đã khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế của địa phương trong việc phát triển sản xuất tôm giống, điện gió, nhiệt điện, muối, nước khoáng, du lịch. Các nguồn lực được thu hút nhiều hơn, bộ mặt huyện nhà có nhiều khởi sắc; đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Huyện đã triển khai thực hiện khá tốt các chủ trương, nghị quyết của cấp trên; đã quan tâm làm tốt công tác cán bộ. Đồng thời, chỉ rõ những mặt hạn chế của huyện: Kinh tế phát triển còn chậm và thiếu vững chắc, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển còn nhiều khó khăn; tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở còn yếu kém.

          Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã lưu ý trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện cần tập trung lãnh đạo để kinh tế huyện phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của địa phương. Trong thủy sản, cần phát triển khai thác hải sản xa bờ kết hợp với dịch vụ hậu cần trên biển; thường xuyên giáo dục ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản; giữ vững diện tích nuôi tôm thương phẩm và phát triển sản xuất tôm giống. Trong nông nghiệp, cần bám thực tiễn, tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả của các loại cây trồng như: nho, trôm, bông vải, thanh long… để khẳng định loại cây trồng chủ lực của huyện, từ đó hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm; đặc biệt coi trọng công tác trồng và bảo vệ rừng. Trong du lịch, huyện cần khai thác tốt tiềm năng để phát triển du lịch biển, phát triển các môn thể thao trên biển; thu hút mạnh các dự án đầu tư; triển khai biện pháp nâng cao chất lượng các khu du lịch hiện có, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội để thu hút ngày càng đông du khách. Trong công nghiệp, huyện cần tập trung phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là điện gió, nhiệt điện. Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các khu neo đậu tránh bão cho tàu cá, cảng cá, hệ thống kè biển chống xâm thực, đường giao thông ven biển…Chú ý làm tốt công tác quy hoạch và xây dựng nông thôn mới; phát động mạnh mẽ phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc xây dựng nông thôn mới và đầu tư các công trình điện, nước sinh hoạt cho nhân dân. Cùng với việc xây dựng nông thôn mới, huyện cần chú ý chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hình thành thị xã Phan Rí Cửa trong tương lai.

          Huyện cần quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo. Không ngừng xây dựng và phát huy hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị ở cơ sở. Theo đó, Ủy ban nhân dân cần triển khai rà soát, làm tốt công tác quy hoạch; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là trên các lĩnh vực: đất đai, tài nguyên rừng và trật tự xã hội. Mặt trận, đoàn thể phải đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần cùng với chính quyền giải quyết kịp thời, có hiệu quả những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời, ra sức xây dựng thực lực cốt cán đúng thực chất. Trong công tác xây dựng Đảng, cần đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số; chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho việc thành lập thị xã Phan Rí Cửa trong tương lai. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu, gắn với tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức. Chú ý xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị tại địa bàn dân cư.

          Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tuy Phong nhiệm kỳ 2010-2015 gồm 39 đồng chí. Đồng chí Phạm Ngọc Long được bầu làm Bí thư Huyện ủy khóa VII.

Tin, ảnh: Ngô Minh Hòa


  • |
  • 1284
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT