KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ NGƯỜI CAO TUỔI GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN.

  • /
  • 28.7.2010 - 0:0

Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2009, toàn tỉnh hiện có 85.810 người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên, trong đó nữ là 51.262 người, chiếm 6,34% dân số. Số hội viên hội cao tuổi là 67.432 người, trong đó có 3.032 người từ 90 tuổi trở lên. Hiện có 5.950 người cao tuổi thuộc hộ nghèo, gặp khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần, nhất là người cao tuổi sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có 741 người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa cần được chăm sóc, trợ giúp của nhà nước và xã hội. Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi trên địa bàn của tỉnh Bình Thuận đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

Về ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi: đạt kết quả khá tốt, có 744 Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng (nay còn 85 bà mẹ); 3.038 cha, mẹ, vợ liệt sỹ; 2.586 thương, bệnh binh và người hưởng chính sách thương binh; có 790 có công với cách mạng, 13.700 người hoạt động kháng chiến, 1.565 người bị tù đày tra tấn trong kháng chiến; 40 người lão thành cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi có công với nước; 5119 người cao tuổi đang hưởng chế độ hưu trí. Hàng năm các cáp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức cho trên 8000 lượt người có công cách mạng đi điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình với kinh phí gần 5 tỷ đồng; có trên 30 người già yếu cô đơn tiếp tục được tiếp nhận nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh; có 7.712 người cao tuổi được hưởng chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; 6.651 lượt người cao tuổi nghèo được trợ giúp 347,1 triệu đồng ổn định đời sống. Đến nay đã có 2412 hộ gia đình người cao tuổi thoát nghèo, 7.875 hộ vươn lên khá giả, có 3.603 người cao tuổi đạt danh hiệu sản xuất giỏi, trong đó có 518 người làm chủ cơ sở sản xuất.

Về chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh: có 12.520 người hưởng chính sách có công, 5.119 cán bộ hưu trí, 7.712 người hưởng chính sách xã hội và 5.950 người thuộc hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm xã hội miễn phí. Ngoài ra, Hội chữ thập đỏ tỉnh mở phòng khám nhân đạo thường xuyên tư vấn sức khỏe và khám chữa bệnh cấp thuốc miễn phí cho 27.289 lượt người nghèo, hỗ trợ bằng tiền cho 1.893 người nghèo điều trị bệnh; xây dựng bếp cháo từ thiện tại các bệnh viện đã cung cấp cho 23.6078 bệnh nhân nghèo. Tổng giá trị trợ giúp trên 600 triệu đồng.

Về các chế độ ưu đãi khác: có 2.286 cụ từ 90 tuổi trở lên được tặng quá của Chủ tịch nước và UBND tỉnh với số tiền 240,7 triệu đồng và 211 xuất vải lụa (mỗi xuất 5m/cụ); có 6.303 người cao tuổi được vay 5.590 triệu đồng với lãi xuất ưu đãi để làm kinh tế; có 1.239 gia đình có người cao tuổi thuộc diện chính sách có công và gần 3.000 gia đình người cao tuổi thuộc diện nghèo được hỗ trợ cải thiện nhà ở, đến nay hầu hết người cao tuổi đều có chỗ ở ổn định

Nhìn chung, chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi trên địa bàn tỉnh trong gần 5 năm qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận; vai trò của người cao tuổi được phát huy, là trụ cột tinh thần trong gia đình dòng họ, chăm lo giáo dục, dạy dỗ con cháu tu dưỡng đạo đức, hăng say học tập, lao động và công tác; tham gia tích cực các hoạt động xã hội, góp phần giữ vững an  ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, có 2.060 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, Chính quyền, Mặt trận và Đoàn thể các cấp, có 1.065 người tham gia tổ chức an ninh nhân dân và Ban thanh tra nhân dân. Tham gia khôi phục và phát huy truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân gian của các dân tộc ở địa phương như: dân ca chòi, hát bội, văn hóa Chăm…

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người cao tuổi thuộc diện nghèo gặp khó khăn về đời sống sinh hoạt, nhất là người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn nhiều người cao tuổi neo đơn, tàn tật thiếu sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng. Trách nhiệm của con cháu trong gia đình đối với ông bà, cha mẹ có phần giảm sút; tình trạng con cháu trong gia đình bạc đãi, hắt hủi ông bà, cha mẹ, người thân xảy ra ở một số địa phương. Việc huy động nguồn lực để thực hiện chương trình còn hạn chế, nhất là nguồn huy động từ cộng đồng. Các hoạt động chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi chưa phong phú, chưa trở thành phong trào thường xuyên của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, chất lượng chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế.

Để tiếp tục thực hiện chương trình hành động về người cao tuổi; trong 5 năm tới, các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng trong tỉnh cần tập trung thực hiện phấn đấu đạt được các chỉ tiêu sau: bảo đảm 100% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được cải thiện đời sống vật chất tinh thần;  100% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và được sự chăm sóc của gia đình, cộng đồng; 100% người cao tuổi có chỗ ở ổn định, không phải sống trong nhà tạm; 100% số xã, phường thị trấn trong tỉnh có Quỹ Chăm sóc người cao tuổi và hoạt động có hiệu quả.

Để đạt được những chỉ tiêu trên, đồi hỏi các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân cùng chung tay gánh vác và thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, phát huy vai trò, kinh nghiệm của người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia có hiệu quả vào các hoạt động xã hội phù hợp với quá trình phát triển.

Hai là, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Ba là, tạo môi trường thuận lợi cho sinh hoạt của người cao tuổi, tạo điều kiện đề người cao tuổi sống vui, sống khỏe.

Bốn là, thực hiện tốt  các chính sách xã hội đối với người cao tuổi, nhất là người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên; người cao tuổi cô đơn, tàn tật, dân tộc ít người, người cao tuổi thuộc diện nghèo, phụ nữ.

Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trợ giúp người cao tuổi.

                                                        Tin, ảnh: Quốc Triều


  • |
  • 1088
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT