Phấn đấu hàng năm giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% trên cả 03 tiêu chí

  • /
  • 3.1.2013 - 11:31

Đó là mục tiêu mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã xác định tại Chỉ thị số 28-CT/TU, ngày 04/12/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh.

Quốc lộ 1A - đoạn qua địa bàn huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận

Theo đó, mục đích, yêu cầu đặt ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bảo đảm TTATGT để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và mọi người dân khi tham gia giao thông, tạo chuyển biến mạnh mẽ về bảo đảm TTATGT. Phấn đấu hàng năm giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% trên cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã xác định 04 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị đối với công tác bảo đảm TTATGT, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và liên tục của cả hệ thống chính trị và của mọi người dân khi tham gia giao thông. Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào nội dung sinh hoạt định kỳ của chi bộ, cơ quan, đơn vị và các đoàn thể; gắn việc xây dựng “văn hóa giao thông” với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương chấp hành pháp luật về TTATGT, xem đó là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức hàng năm.

Hai là, đẩy mạnh huy động các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo Chương trình hành động số 10-NQ/TU, ngày 25/5/2012 của Tỉnh ủy (khóa XII) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và phát huy hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm đồng bộ với kết cấu hạ tầng khác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nghiên cứu xây dựng dải phân cách cố định ở các trục đường chính có mật độ giao thông cao, lắp đặt đầy đủ biển báo, đèn tín hiệu giao thông tại các điểm giao cắt giữa các tuyến giao thông; tổ chức kết nối các phương thức vận tải giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đảm bảo lưu thông thông suốt trong mọi tình huống. Có kế hoạch và chính sách khuyến khích phát triển nhiều phương tiện vận tải công cộng ở các đô thị và những nơi có nhu cầu, góp phần nâng cao năng lực vận tải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Ba là, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bảo đảm TTATGT.

Chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của từng cấp, từng ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về bảo đảm TTATGT trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Xử lý nghiêm các hành vi xâm hại công trình giao thông, gây cản trở giao thông, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc khắc phục các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn.

Đổi mới tổ chức giao thông đường bộ đảm bảo hợp lý, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn, thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải. Thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý các bất hợp lý trong tổ chức giao thông và khắc phục ngay các “điểm đen” trên các tuyến giao thông đường bộ; đặc biệt trên các tuyến quốc lộ, các đường giao cắt với đường sắt.

Nâng cao chất lượng các hoạt động đăng ký, đăng kiểm các phương tiện giao thông, bảo đảm an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông; thực hiện tốt quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại phương tiện giao thông.

Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm về TTATGT đường bộ, nhất là trên các tuyến quốc lộ và các đô thị. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các phương tiện giao thông ngay tại bến xe, bến tàu và kiên quyết đình chỉ hoạt động những phương tiện giao thông không bảo đảm điều kiện an toàn khi tham gia giao thông; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo đảm TTATGT. Có biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng đua xe trái phép, phóng nhanh, vượt ẩu.

Kiện toàn Ban an toàn giao thông từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng chiến lược phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức của các lực lượng làm công tác bảo đảm TTATGT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm, giải quyết tai nạn giao thông, kiểm định, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông; nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT dưới bất kỳ hình thức nào.

Bốn là, triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT; ngăn chặn ùn tắc giao thông, nhất là trong giờ cao điểm tại các nơi có mật độ giao thông cao, trọng điểm là thành phố Phan Thiết.

Tập trung thực hiện nghiêm các quy hoạch đô thị và quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012 - 2020; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, vận động người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Tăng cường quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, quản lý vỉa hè, lòng đường và an toàn giao thông cầu, đường, bến cảng; sắp xếp nơi trông giữ xe, xây dựng các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe phù hợp. Xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm trái phép vỉa hè, đỗ xe trái quy định và các hành vi vi phạm gây ùn tắc giao thông.

Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, nhất là các tuyến vành đai, các tuyến chính ra, vào đô thị, các trục giao thông hướng tâm; phân luồng một chiều, nghiên cứu tách làn xe ô tô với mô tô, xe máy ở các tuyến đường lớn. Huy động các lực lượng tham gia hướng dẫn, điều hòa giao thông trong giờ cao điểm.

Các cơ quan thông tin đại chúng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT với các hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và mọi người dân khi tham gia giao thông.

Các trường học, cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT; tăng cường phối hợp với các bậc phụ huynh để giáo dục, nhắc nhở học sinh, sinh viên tự giác chấp hành các quy định về TTATGT, xem đây là tiêu chí cơ bản để đánh giá đạo đức học sinh, sinh viên cuối năm học.

Bài, ảnh: Minh Hòa

  • |
  • 1173
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT