Hoạt động của Đoàn Luật sư Bình Thuận góp phần thực hiện có kết quả nhiệm vụ cải cách tư pháp ở địa phương

  • /
  • 10.12.2012 - 16:34

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 05-KH/TU, ngày 04/4/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; sau khi quán triệt Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư”; hơn 03 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các mặt hoạt động đối với luật sư trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả quan trọng.

Đồng chí Nguyễn mạnh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam

           Xác định hoạt động của Đoàn luật sư và luật sư là một trong những nội dung trong tiến trình thực hiện cải cách tư pháp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức và hoạt động của Đoàn luật sư trong tỉnh. Đến nay, công tác tổ chức và hoạt động của Đoàn luật sư Bình Thuận có bước chuyển biến tiến bộ trong việc xây dựng đội ngũ luật sư đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới; đội ngũ luật sư đã tăng lên đáng kể cả về số lượng và nâng lên về chất lượng để thực hiện đúng chức năng của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, từng bước phát huy vai trò tự quản của mình. Từ năm 2009 đến nay, việc phát triển luật sư trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng, tổng số luật sư của tỉnh hiện có 28 thành viên; thành lập 18 Văn phòng luật sư, 01 Công ty luật, 05 Chi nhánh hành nghề luật sư và 01 luật sư hành nghề cá nhân. Trong tổng số luật sư trong tỉnh, có 50% là luật sư trẻ được đào tạo chính quy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã thể hiện bản lĩnh của mình, nhanh nhạy, sáng tạo trong hoạt động. Tổ chức đảng của Đoàn luật sư cũng đã thành lập gồm có 09 đảng viên, đã thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp khá chặt chẽ với Ban chủ nhiệm Đoàn làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư, hạn chế các trường hợp vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.

Trong các hoạt động, Đoàn luật sư đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo pháp luật quy định, nhất là hoạt động giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư. Từ năm 2009 đến nay, các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 6.228 việc; gồm: tham gia tố tụng 1.061 việc (trong đó, án hình sự 743 vụ, án dân sự 268 vụ, án kinh tế thương mại 16 vụ, án hành chính 25 vụ, án lao động 9 vụ); tư vấn pháp luật 2.892 việc và các tư vấn khác là 2.275 vụ việc. Quá trình hoạt động, Đoàn luật sư đã quan tâm rèn luyện, bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho luật sư và người tập sự hành nghề luật sư; tích cực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tham gia ý kiến giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo. Đối với đội ngũ luật sư, qua hoạt động nghề nghiệp của mình đã có nhiều cố gắng đáp ứng được nhu cầu trợ giúp, tư vấn pháp lý cho thân chủ, 100% án chỉ định đều có luật sư tham gia, góp phần quan trọng cho việc hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong tham gia tố tụng, nhiều luật sư từng bước khẳng định trình độ chuyên môn và bản lĩnh khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa, hoạt động tư vấn của luật sư từng bước phát triển, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của nhân dân.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của Đoàn luật sư trong công tác cải cách tư pháp ở địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Đoàn luật sư và mỗi luật sư thực hiện tốt vai trò của mình, tích cực tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tham gia góp ý kiến đối với các dự án luật khi Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh có yêu cầu, tham gia ý kiến một số vụ án có gửi đơn khiếu nại đến HĐND tỉnh, tham gia tư vấn và trợ giúp pháp lý theo đề nghị của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và đóng vai trò là lực lượng nòng cốt của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh và Trung tâm tư vấn thuộc Hội Luật gia tỉnh…, những hoạt động đó, đã góp phần tích cực và có hiệu quả vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Trong hoạt động tham gia tố tụng của luật sư thời gian qua, từng bước đã khắc phục dần tính hình thức, chất lượng tham gia tố tụng từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Thực tiễn cho thấy, trong các vụ án có luật sư tham gia và thông qua công tác tranh tụng, chất lượng xét xử của các phiên tòa được nâng lên, góp phần hạn chế sai sót, tạo được công bằng và khách quan trong quá trình xét xử, giúp cho chủ tọa phiên tòa phán quyết một cách chính xác theo đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế XHCN. Công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật, quy chế tổ chức hoạt động hành nghề luật sư, Điều lệ Đoàn luật sư đối với luật sư thực hiện ngày càng tốt hơn. Việc nhắc nhở, uốn nắn các luật sư trong quá trình hành nghề có những sai sót được thực hiện thường xuyên; giải quyết kịp thời những khiếu nại giữa các thân chủ với luật sư trong quá trình giao dịch dân sự, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các luật sư thành viên… Từ đó, tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của đoàn luật sư, vị trí, vai trò và uy tín của luật sư từng bước được khẳng định trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên,trên thực tế, tình trạng luật sư “thiếu và yếu” chậm được khắc phục, đội ngũ luật sư của tỉnh phát triển chưa mạnh để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện nay. Số lượng vụ án có luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, của đương sự chưa nhiều. Trong xét xử hình sự, luật sư tham gia bào chữa chủ yếu theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng còn chiếm tỷ lệ cao. Quy định về chế độ thù lao, bồi dưỡng cho luật sư còn ở mức thấp, chưa bảo đảm cho hoạt động của luật sư khi tham gia bào chữa chỉ định. Mặt khác, nguồn quỹ để phục cho công tác luật sư còn hạn chế nên việc trang bị, nâng cấp cơ sở vật chất, bồi dưỡng nghiệp vụ cho luật sư ít nhiều gặp nhiều khó khăn. Hiện nay khối lượng công việc tại địa phương rất nhiều nhưng số lượng luật sư còn quá ít, chưa đáp ứng đủ để phục vụ cho nhu cầu công việc; mặt khác, đội ngũ luật sư có nguy cơ giảm do chuyển sang hành nghề công chứng. Số luật sư phát triển ở các vùng trong tỉnh không đồng đều, chủ yếu tập trung hoạt động tại thành phố Phan Thiết, chưa phát triển mạnh ở các địa bàn xa thành phố, nên phần nào làm hạn chế và tác động lớn đến nhu cầu về dịch vụ pháp lý của nhân dân.
Để tiếp tục thực hiện có kết quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 05-KH/TU, ngày 04/4/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư”; trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo, điều hòa hoạt động của các cơ quan Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát và Đoàn Luật sư tỉnh để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đề ra, không để xảy ra tình trạng oan, sai của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chỉ đạo Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh  chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động giám sát đối với các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp; UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” để triển khai trên địa bàn tỉnh, tiến hành mở khóa đào tạo nghề luật sư tại tỉnh trong năm 2013 để tạo nguồn phát triển đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển về số lượng và chất lượng hoạt động của luật sư, góp phần tích cực vào công tác cải cách tư pháp của tỉnh nhà./.
                                                                          
                                                               Bài và ảnh: Tuyết Hồng
                                                                     Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận

  • |
  • 1399
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT