Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10): Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân tỉnh Bình Thuận thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

  • /
  • 13.10.2012 - 15:51

Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân; nhờ đó, số lượng các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tăng nhanh, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng: Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 3.883 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tăng hơn 08 lần, tổng vốn đăng ký trên 40.000 tỷ đồng, tăng 36,5 lần; trong đó có 2.305 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm hơn 59% tổng số doanh nghiệp đăng ký, tăng 2,88 lần; tổng vốn kinh doanh khoảng 23.303 tỷ đồng, tăng gần 4,2 lần; tổng doanh thu 33.350 tỷ đồng,tăng 4,18 lần; tổng lợi nhuận khoảng 1.327,2 tỷ đồng, tăng 11,6 lần; nộp ngân sách Nhà nước 1.176 tỷ đồng, tăng 4,22 lần; tổng kim ngạch xuất khẩu 283 triệu USD, tăng gần 03 lần; giải quyết việc làm cho 56.741 lao động, tăng 1,9 lần so với năm 2005.

Riêng năm 2011, tuy đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; song, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục có bước phát triển. Tổng lợi nhuận tăng 29,44%; tỷ suất lợi nhuận/vốn bình quân đạt 5,7%, tăng 0,3%; tỷ suất lợi nhuận/doanh thu bình quân của doanh nghiệp đạt 3,96%, tăng 0,12% so với năm 2010.

Tỉnh đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh nhằm khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Công tác xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các ngành (công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch…) và các sản phẩm lợi thế (thủy sản, thanh long…) được quan tâm thực hiện; đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; triển khai đề án đánh giá trình độ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ đối với các sản phẩm lợi thế của tỉnh…

Hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm lợi thế như thanh long, thủy sản chế biến, hàng may mặc... tiếp tục được mở rộng. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp được quan tâm; các Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Trung tâm xúc tiến thương mại, Trung tâm xúc tiến du lịch đã phát huy khá tốt vai trò cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân; định kỳ hàng năm, lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp mặt với các doanh nhân, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tôn vinh những doanh nhân có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh gặp mặt các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong tỉnh

Công tác thành lập các tổ chức Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp được triển khai tích cực, đạt kết quả bước đầu. Năm 2011, toàn tỉnh đã thành lập được 25 tổ chức Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với 3.228 đoàn viên, nâng tổng số Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước lên 205 tổ chức với 18.377 đoàn viên, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Để tiếp tục xây dựng và phát huy tốt hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân tỉnh Bình Thuận trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đội ngũ doanh nhân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tích cực đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát động đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Hai là, thường xuyên cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, nhất là về định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các quy định quyền sở hữu trí tuệ về công nghệ, thương hiệu sản phẩm, quyền tự do kinh doanh, chính sách tài chính công, thuế, tài nguyên, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng... để doanh nghiệp, doanh nhân nắm bắt đầy đủ, thực hiện có hiệu quả. Tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền các cấp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc tham mưu giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ban hành, rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách cho phù hợp, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động đúng theo quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan chức năng, công chức, viên chức Nhà nước với doanh nhân, doanh nghiệp...

Ba là, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Quyết định số 2880/QĐ-UBBT ngày 29/12/2011 của UBND tỉnh. Thực hiện trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 và Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 05/5/2010 của Chính phủ; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh theo Quyết định số 06/2011/QĐ-UBND ngày 07/4/2011 của UBND tỉnh; quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện cho hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi và thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất để phát triển sản xuất, xuất khẩu hàng hóa theo chủ trương của Chính phủ. Tiếp tục hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển lực lượng doanh nhân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp và nhà nông liên kết, hợp tác đầu tư, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. 

   Một góc nhà máy sản xuất thuộc Công ty Cổ phần Vật liệu tự dính Việt Nam (Khu công nghiệp Phan Thiết)

Bốn là, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề cho lao động trong các doanh nghiệp. Tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ đội ngũ doanh nhân tiếp cận kiến thức về quản trị doanh nghiệp, pháp luật, trách nhiệm xã hội, các thông lệ, luật pháp quốc tế để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ doanh nhân giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các doanh nhân trong và ngoài nước. 

Năm là, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; kịp thời biểu dương, khen thưởng những doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, chấp hành pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động, chú trọng xây dựng văn hóa kinh doanh, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện do tỉnh phát động.

Sáu là, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Trung tâm xúc tiến thương mại, Trung tâm xúc tiến du lịch, các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp... nhằm phát huy tốt vai trò đại diện của cộng đồng doanh nghiệp. Xúc tiến thành lập Hội Doanh nhân tỉnh là tổ chức xã hội đại diện cho cộng đồng doanh nhân trong tỉnh.

Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tình hình mới. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp; gắn việc phát triển doanh nghiệp với việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức Đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp,  văn minh.

    Bài, ảnh: Minh Hồng

  • |
  • 1291
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT