Để giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào cuộc sống

Thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, những năm gần đây hoạt động giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh được triển khai đồng bộ, bước đầu đạt hiệu quả rõ nét, hoạt động GS, PBXH đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền xem xét các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý.

Những kết quả nổi bật qua 05 năm thực hiện

Từ năm 2015 đến nay, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp đã định hướng phê duyệt 2.444 nội dung GS, PBXH của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, tập trung vào các vấn đề như: công tác tiếp dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý khoáng sản, tài nguyên, môi trường; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án xây dựng trên địa bàn; công tác quy hoạch cán bộ; việc thực hiện các chính sách đào tạo nghề lao động nông thôn cho các đối tượng thanh niên, phụ nữ; thực hiện pháp luật Bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước; giải quyết các trường hợp còn tồn đọng về chính sách khen thưởng sau chiến tranh đối với quân nhân xuất ngũ; tham mưu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ; thực hiện các nội dung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục về giới, bình đẳng giới...

Chính quyền các cấp đã thực hiện việc công khai các thông tin, phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện việc GS, PBXH và thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi các kiến nghị, ý kiến góp ý của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân; tạo điều kiện về kinh phí để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện công tác GS, PBXH.

Trên cơ sở định hướng nội dung giám sát của cấp ủy, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 3.065 cuộc giám sát đối với các tổ chức, cá nhân. Qua giám sát, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã đề xuất, kiến nghị 2.961 nội dung góp phần xây dựng, thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Trong đó nổi bật đến nay đã có 2.393/2.961 nội dung kiến nghị sau giám sát đã được giải quyết. Nhiều vấn đề vướng mắc được tháo gỡ, những nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân được giải quyết. Số kiến nghị còn lại đang được các cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo giải quyết.

Công tác PBXH được Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quan tâm triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện Đề án "Phát triển trồng cỏ và chăn nuôi bò sữa, bò thịt cao sản trên địa bàn tỉnh", giai đoạn 2018 - 2025; UBMTTQVN huyện Hàm Tân tổ chức phản biện dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án giao thông nông thôn của huyện và dự thảo Quy chế làm việc của UBND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021... Qua phản biện, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã kịp thời phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp trong những dự thảo văn bản của các cơ quan và các chương trình, dự án phát triển kinh tế – văn hóa xã hội; từ đó, kiến nghị những nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các chủ trương, chương trình, đề án, dự án; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận trong xã hội.

Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo Hướng dẫn số 11-HD/TU, ngày 09/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày càng đi vào nền nếp, thiết thực. Kết quả cho thấy, qua 05 năm thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức 472 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân (trong đó, cấp tỉnh thực hiện được 04 cuộc, cấp huyện 76 cuộc, cấp xã 394 cuộc). Thông qua đối thoại, các cấp ủy, chính quyền đã nắm bắt tình hình, giải thích, giải quyết kịp thời những tâm tư nguyện vọng, những vấn đề còn vướng mắc, bức xúc trong nhân dân; đồng thời tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, của chính quyền, từ đó có những giải pháp cụ thể trong lãnh đạo, điều hành và tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua tổng hợp, đến nay đã có 3.783/4.130 (đạt 91,59%) ý kiến tiếp thu tại các buổi đối thoại đã được giải quyết.

Tuy nhiên, nội dung giám sát, phản biện và cách thức thực hiện vẫn còn nhiều lúng túng, nhất là ở cơ sở. Trong góp ý, chủ yếu thực hiện khi được cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị yêu cầu. Năng lực, bản lĩnh, tính chủ động trong tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có nơi, có mặt còn yếu; chưa thể hiện rõ được vai trò của tổ chức mình.

Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW

Để giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào cuộc sống

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị đạt hiệu quả, thiết nghĩ các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nắm vững và quán triệt sâu kỹ nội dung, phương thức, quy trình thực hiện và các quy định, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Định hướng và phê duyệt nội dung giám sát, phản biện hằng năm phải cụ thể hơn; lựa chọn nội dung giám sát, phản biện tập trung vào những vấn đề, vụ việc đang được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân quan tâm và gắn chặt với nhu cầu, quyền lợi thiết thân của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên chỉ đạo sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện để kịp thời định hướng, chỉ đạo và tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tổ chức Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần nâng cao năng lực, bản lĩnh, tính chủ động trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, các ngành phải thật sự cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân; tôn trọng và phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền về các mô hình, cách làm hay trong triển khai thực hiện các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy đúng mức vai trò vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có chất lượng./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT