Phú Quý (Bình Thuận), 1 trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam
Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch dự kiến khoảng 460 tỷ đồng, được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2011-2015 dự tính khoảng 300 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 dự tính khoảng 160 tỷ đồng.
Để triển khai có hiệu quả quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, một số giải pháp đã được đưa ra như: nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng dân cư tham gia đầu tư để thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển; nghiên cứu chính sách cho cộng đồng dân cư quản lý các khu bảo tồn biển được hưởng lợi từ dịch vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển, nhằm khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng, bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các quy định pháp luật để triển khai thực hiện việc giao vùng nước biển ven bờ cho chính quyền và cộng đồng quản lý. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của xã hội đối với việc thành lập các khu bảo tồn biển. Tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng để bảo vệ nguồn lợi hải sản trong và xung quanh khu bảo tồn biển. Đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn biển có năng lực quản lý, chuyên môn từ Trung ương đến các địa phương và trong cộng đồng dân cư ven biển. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ, giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật trong công tác điều tra, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ.
Trước mắt, việc đầu tư xây dựng các khu bảo tồn biển được bảo đảm chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. Sau khi hình thành một số khu do nhà nước thành lập và quản lý, cần nghiên cứu cơ chế chính sách nhằm đa dạng hóa các hình thức đầu tư để đầu tư phát triển và quản lý bền vững các khu bảo tồn biển.
Tin, ảnh: Ngô Minh Hòa
(Nguồn: Quyết định số 742/QĐ-TTg)