BÌNH THUẬN – PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY THANH LONG CÓ GIÁ TRỊ TĂNG CAO

Sáng ngày 30/10, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì họp nghe Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Kết luận số 977-KL/TU, ngày 01/02/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030. Cùng dự có đồng chí Đoàn Anh Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Thuận Bích - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND thành phố Phan Thiết. Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các huyện, thị xã: La Gi, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân, Tuy Phong.

(Quang cảnh buổi làm việc)

Trong vài năm gần đây việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người trồng thanh long và các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long. Xuất phát từ thực tiễn và chủ trương của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 977-KL/TU, ngày 01/02/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) về Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-UBND, ngày 22/4/2024 về Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030.

Sau hơn 6 tháng thực hiện Đề án, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự đồng thuận của Nhân dân, việc phát triển bền vững cây thanh long được duy trì ổn định, công tác phát triển thị trường có tập trung thực hiện, giá thanh long trong năm nay cao hơn năm trước.

Tại cuộc họp, đồng chí Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, diện tích cây thanh long toàn tỉnh đến nay khoảng 26.900 ha, sản lượng đạt 460.000 tấn. Tỉ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 90.775 tấn sản phẩm/năm, đạt tỉ lệ khoảng 16,5 % sản lượng. Trong đó, có 9 chuỗi thanh long tươi với sản lượng 90.610 tấn/năm và 3 chuỗi sản phẩm thanh long chế biến với sản lượng 165 tấn/năm. Diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP đạt khoảng 8.559,2 ha, đạt tỉ lệ 31,81 % so với tổng diện tích. Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ (Organic) đạt khoảng 120 ha, đạt tỉ lệ 0,46% so với tổng diện tích. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch ước đạt 6.400.000 USD, tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thanh long xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5.340 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,4%. Toàn tỉnh có 11 cơ sở chế biến sản phẩm từ trái thanh long, trong đó có một số doanh nghiệp đầu tư máy móc nhà xưởng chế biến, công nghệ chế biến tiên tiến.

(Đại biểu dự tại các điểm cầu địa phương)

Ngoài ra, để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương rà soát vùng quy hoạch sản xuất tập trung làm cơ sở cho việc cấp, quản lý mã số vùng trồng và đầu tư hạ tầng phục vụ canh tác, sản xuất thanh long; lộ trình đến năm 2030 sẽ ổn định diện tích thanh long toàn tỉnh khoảng 25.000 ha, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đảm bảo an toàn dịch bệnh, sản xuất áp dụng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt và theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển ngành hàng thanh long, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, coi đây là khâu đột phá nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long Bình Thuận.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã phát biểu làm rõ hơn kết quả thực hiện Đề án phát triển bền vững cây thanh long, như việc ứng dụng khoa học - công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; xúc tiến quảng bá sản phẩm thanh long thị trường trong và ngoài nước; việc thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất cây thanh long… Đại biểu cũng đề nghị có giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực phía Bắc; nghiên cứu kêu gọi doanh nghiệp có tiềm năng để sản xuất chế biến sản phẩm thanh long; tăng cường các kênh thông tin về sản xuất và thị trường tiêu thụ; tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật giống cây thanh long mới; đồng thời, có chính sách hỗ trợ người trồng thanh long trong đăng ký thương hiệu cũng như xúc tiến thương mại.

(Đồng chí Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp)

Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Thanh long là cây trồng lợi thế của tỉnh, giúp cải thiện đời sống người nông dân cũng như hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã thanh long trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc phát triển cây thanh long, các sản phẩm từ thanh long còn nhiều khó khăn; giống thanh long hiện hữu còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng; giá trị cạnh tranh còn thấp, sản phẩm chế biến chưa đa dạng phong phú…

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục bám sát Kết luận số 977 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, triển khai có hiệu quả việc phát triển cây thanh long bền vững, có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu phân tích, dự báo tình hình thị trường, tiềm năng lợi thế, qua đó xác định công việc cụ thể để triển khai thực hiện. Tăng cường hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Có chính sách thu hút, khuyến khích tạo điều kiện sản xuất chế biến, đa dạng hóa thanh long ở các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần đẩy mạnh lựa chọn giống mới có năng xuất, khả năng kháng bệnh thay thế giống cũ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, bảo quản chế biến sau thu hoạch, nghiên cứu triển khai mô hình thanh long giảm phát thải. Đổi mới phương pháp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu chính ngạch; lưu ý nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai môi trường, kiểm soát có hiệu quả các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Mặt khác, cần nghiên cứu đề xuất, rà soát các chính sách đã có để điều chỉnh, bổ sung phù hợp; đồng thời, ban hành các chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển thanh long phù hợp với điều kiện, tình hình của tỉnh.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT