Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, phải giải quyết hài hòa mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội - quân sự - an ninh. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc”. Đây là vấn đề mang tính quy luật, được đúc kết, kiểm nghiệm qua hàng nghìn năm lịch sử, đó là “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng ta, Nhà nước ta, Nhân dân ta luôn chú trọng cả hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cụ thể là sự kết hợp giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Đó việc gắn kết chặt chẽ hoạt động của các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa với quốc phòng, an ninh ở cơ sở thành một thể thống nhất trên phạm vi cả nước, trên từng vùng và từng địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, các lĩnh vực chủ động gắn kết, bổ sung, tạo điều kiện cho nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi cả hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1).

(Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho dự án Sân bay Phan Thiết. Ảnh: chinhphu.vn)

Về mặt lý luận, sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh là một nhu cầu, đòi hỏi tất yếu, khách quan, kể cả trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, trong quá trình thực hiện công cuộc Đổi mới và trong tình hình mới. Quá trình đó, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước là nhân tố quyết định thành công của quá trình gắn kết này, bảo đảm đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, tăng trưởng kinh tế là tiền đề, là điều kiện vật chất, là sức mạnh tài chính để đầu tư cho quốc phòng - an ninh. Ở chiều ngược lại, quốc phòng - an ninh được giữ vững là điều kiện quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, là cơ sở bảo đảm quyền tài sản của các thành phần tham gia nền kinh tế; bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản, môi trường sống và làm việc của người dân. Tiềm lực quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường còn giúp nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế, từ đó, mở rộng hơn nữa các quan hệ kinh tế quốc tế.

Trong mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng, là nền tảng tinh thần để thực hiện thắng lợi cả hai nhiệm vụ này. Đó là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là lòng yêu nước, thương nòi, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sự gắn bó với quê hương, tình làng, nghĩa xóm. Nơi nào mà nền văn hóa xuống cấp, xã hội mất ổn định thì nơi đó an ninh - trật tự không được bảo đảm. Ngược lại, nơi nào quốc phòng - an ninh được giữ vững sẽ tạo điều kiện thuận lợi để văn hóa phát triển, các hoạt động xã hội được thuận lợi, theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước (2).

Bình Thuận - Thành tựu hơn 30 năm phát triển

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị, quân và dân tỉnh Bình Thuận luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế -  xã hội gắn với củng cố, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giúp tỉnh nhà có những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc.

Sau 30 năm tái lập, kinh tế Bình Thuận phát triển khá, tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước. Quy mô tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt gần 95 nghìn tỷ đồng, gấp 24,24 lần năm 1992. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản. Tổng vốn đầu tư xã hội từ năm 1992 đến 2022 đạt hơn 367 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 22,75%/năm. Tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 8.488 tỷ đồng, cao gấp 93 lần so với năm 1992; đến năm 2023 đã đạt trên 10 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,35 triệu đồng năm 1992 lên 56,28 triệu đồng năm 2022, gấp 41 lần. Năm 2023, trong bối cảnh tăng trưởng GRDP của cả nước sụt giảm (chỉ 5,05%), kết quả GRDP của tỉnh đã vượt ngoài mong đợi khi đạt mức tăng 8,1%. Đây cũng là lần đầu tiên, quy mô kinh tế của tỉnh vượt mốc 100 nghìn tỷ đồng. 9 tháng năm 2024, kinh tế của tỉnh tăng trưởng cơ bản ổn định, GRDP tăng 6,3% so với cùng kỳ. 3 trụ cột kinh tế của tỉnh là công nghiệp - du lịch - nông nghiệp đều tăng trưởng khá.

(Ba trụ cột kinh tế của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Tổng hợp từ Internet)

Trong công nghiệp, toàn tỉnh hiện có 09 khu công nghiệp với quy mô diện tích hơn 2.930 ha, trong đó có 07 khu công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, 02 khu công nghiệp đang trong quá trình giải phóng mặt bằng hoặc chuẩn bị đầu tư. Công nghiệp năng lượng tiếp tục phát triển với 48 nhà máy ở đủ các loại hình thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió trên bờ và tương lai sẽ là điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG, phấn đấu đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước. Công nghiệp chế biến cũng có bước phát triển, đã và đang hình thành một số chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Du lịch ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà. Năm 2023, toàn tỉnh đón hơn 8,35 triệu lượt du khách, tăng gần 46%; doanh thu du lịch ước đạt hơn 22,3 nghìn tỷ đồng, tăng 63%, thuộc top 10 địa phương có lượt du khách và doanh thu ngành du lịch cao nhất cả nước. 9 tháng năm 2024, du lịch Bình Thuận đón 7,33 triệu lượt khách (tăng 11,42%), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 18,6 nghìn tỷ đồng (tăng 8,47% so với cùng kỳ năm trước). Toàn tỉnh hiện có 384 dự án du lịch còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 11,2 nghìn tỷ đồng; có 644 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 20.250 phòng. 

Về nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Năng suất lúa đã tăng từ 29,9 tạ/ha (năm 1992) lên 58,9 tạ/ha (năm 2022), sản lượng lương thực từ 180.242 tấn (năm 1992) tăng lên 846.626 tấn (năm 2022), gấp 4,7 lần. Thanh long vẫn là cây trồng lợi thế của tỉnh, đến nay đã có gần 8.600 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từng bước được quan tâm đầu tư. Có 78 hệ thống công trình thủy lợi đang khai thác với tổng mức đầu tư gần 7.477 tỷ đồng, trong đó có 49 hồ chứa với dung tích khoảng 442 triệu mét khối, tưới tiêu cho 73.300 ha đất. Toàn tỉnh hiện có 74/93 xã nông thôn mới, 06 xã nông thôn mới nâng cao và 02 huyện nông thôn mới.

Về đầu tư phát triển, 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh được đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Ngoài đầu tư gần 7,2 nghìn tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu thu hút được 87 dự án thứ cấp còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 16,7 nghìn tỷ đồng và 231 triệu USD. Trong khuôn khổ Lễ công bố Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 04 dự án với tổng vốn gần 2.100 tỷ đồng; trao bản ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 07 nhà đầu tư với tổng vốn trên 127 nghìn tỷ đồng.

Về văn hóa - xã hội, chất lượng y tế, giáo dục từng bước được nâng lên. 9 tháng năm 2024, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50,74%; tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh đạt 92.52% dân số; giải quyết việc làm cho hơn 21,2 nghìn lao động; trong đó, cho vay vốn 3,1 nghìn lao động. Công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao thu hút đông đảo Nhân dân và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia.

Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường. Các lực lượng công an, quân sự, biên phòng đã chủ động phối hợp dự báo tình hình, tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ an toàn các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, bảo vệ các đoàn ngoại giao, đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại tỉnh. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đạt chỉ tiêu đề ra. Đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; phối hợp các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường lực lượng cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; kiềm chế, kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội.

Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục được tăng cường. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 14 xã, thị trấn và 29 cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục điển hình về phong trào này, 03 Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị; 423 mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, 378 điểm chữa cháy công cộng; nhân rộng 31 mô hình “tự phòng, tự quản” đảm bảo an ninh, trật tự,… Thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân từng bước được củng cố vững chắc. Việc đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả.

Quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan chức năng đều thực hiện tốt việc lấy ý kiến cơ quan quân sự, công an đối với các hạng mục dân sự lưỡng dụng, phục vụ cho cả mục đích dân sự và mục đích quân sự, quốc phòng. Trong giai đoạn 2015 - 2022, lực lượng quân sự tỉnh đã tham gia góp ý hơn 400 dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với thế trận quân sự và phòng thủ dân sự. Công tác giáo dục quốc phòng - an ninh tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Tỉnh cũng đã ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển đảo Phú Quý vững mạnh toàn diện, trở thành căn cứ phòng thủ trên biển, là hậu cứ vững chắc của quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, trong đó, tập trung xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, kết hợp với quốc phòng, an ninh.

Lực lượng vũ trang tỉnh thường xuyên được củng cố, vững mạnh toàn diện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ quân sự - quốc phòng thường xuyên được quan tâm đầu tư. Nhờ đó, quốc phòng - an ninh của tỉnh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, góp phần quan trọng vo quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh của tỉnh Bình Thận trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Phát triển công nghiệp còn nhỏ lẻ; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn thấp. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, nông nghiệp chưa hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng chưa cao. Du lịch chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ đặc thù để thu hút và giữ chân du khách.

Các vướng mắc, bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm được tháo gỡ. Tiến độ thực hiện các dự án, công trình, nhất là công trình, dự án trọng điểm, quan trọng của tỉnh còn chậm. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng có mặt còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương có việc còn thiếu đồng bộ, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc. Cải cách thủ tục hành chính tuy có nhiều cố gắng, song chưa có sự cải thiện rõ rệt. Chất lượng y tế chưa đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Các thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí chưa được đầu tư nhiều. Hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Việc nắm thông tin, dự báo tình hình có lúc, có việc chưa kịp thời. Việc giải quyết đơn, thư và các vụ việc tồn đọng có mặt còn hạn chế.

Một số giải pháp cần tập trung trong thời gian tới

Nắm vững tầm quan trọng, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, thời gian tới, thiết nghĩ các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc thực hiện song song, đồng thời hai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhấn mạnh đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong toàn tỉnh.

Hai là, tiếp tục nâng cao vai trò và tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng trong thực hiện kết hợp hai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh. Phát huy hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị địa phương trong thực hiện cả hai nhiệm vụ này; đồng thời, tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Bốn là, tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế nhanh và bền vững nhằm tạo điều kiện tài chính và công nghệ cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Tiếp tục tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế của tỉnh gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách cho công tác quốc phòng - an ninh của địa phương.

Năm là, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Quyết tâm hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 12-NQ/TU, ngày 11/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến 2025, định hướng đến năm 2030.

Sáu là, tiếp tục thực hiện tốt công tác quân sự - quốc phòng; củng cố và xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc. Tiếp tục tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc. PTriển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động số 55-CTr/TU, ngày 10/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Bảy là, đẩy mạnh công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Tăng cường nắm tình hình và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh tại cơ sở, không để diễn biến phức tạp, trở thành “điểm nóng”. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát huy có hiệu quả lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần hỗ trợ các cơ quan, lực lượng chức năng ở cơ sở trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

----------------------------------------------------

(1), (2): PGS TS Dương Trung Ý, PGS, TS Ngô Tuấn Nghĩa, PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn và cộng sự (2023). Giáo trình Kiến thức bổ trợ. Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT