Sự bứt phá phát triển của tỉnh Bình Thuận
Nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, với phương châm hành động “Đoàn kết - Dân chủ - Trí tuệ - Đổi mới - Phát triển”, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận đã không ngừng đoàn kết, phấn đấu, chung tay thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội, đạt được một số kết quả quan trọng và khá toàn diện. Kinh tế của tỉnh phục hồi và tăng trưởng nhanh sau đại dịch Covid-19. Tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức khá. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng trung bình 14,02%/năm. Tỷ lệ thu ngân sách so với GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,86%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Kết thúc năm 2023, 03 lĩnh vực được xác định là trụ cột kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, du lịch tăng trưởng cao nhất với tổng số du khách 8,35 triệu (tăng 46%), trong đó có 230 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 22,3 nghìn tỷ đồng (tăng 63%), là một trong số 10 tỉnh, thành phố có tổng lượt du khách và doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Tăng trưởng GRDP đạt 8,1%. Quy mô kinh tế hơn 100 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên 10 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng 5,1% so với năm 2022. Tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” với hơn 100 hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, mới lạ, tạo sức bật mạnh mẽ cho du lịch tỉnh nhà.
Bình Thuận bước vào năm 2024 với những tâm thế mới, với việc Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tuyến cao tốc Bắc - Nam (các đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) được thông xe. Nhiều nhà đầu tư lớn, có uy tín, năng lực nhận thấy rõ hơn tiềm năng, triển vọng phát triển của Bình Thuận nên triển khai nhiều dự án đầu tư mới trên địa bàn tỉnh, nổi bật là các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, du lịch,... 6 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh tăng 7,1%, chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP) tăng 12,99%. Toàn tỉnh đón 4,59 triệu lượt khách du lịch (tăng 5,01%); trong đó, khách quốc tế 234 nghìn lượt (tăng 91,18%); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 11.832 tỷ đồng (tăng 4,31%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 423,9 triệu USD (tăng 4,78%); kim ngạch nhập khẩu đạt 671,5 triệu USD (tăng 20,01%) so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh hiện có 120 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 7.546,571 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực du lịch - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Có được những kết quả trên là nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối ngoại nhân dân.
Một số kết quả nổi bật của công tác đối ngoại nhân dân tại Bình Thuận
Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW và Chỉ thị số 38-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung các Chỉ thị này đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân và vai trò của đối ngoại nhân dân trong nền ngoại giao Việt Nam.
Triền khai Chỉ thị số 12-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 116-KH/TU, ngày 05/12/2022; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 91-KH/UBND, ngày 10/01/2023 để lãnh đạo việc thực hiện. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện.
Về kết quả, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, song song với hoạt động đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 116-KH/TU, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân với phương châm "Mỗi người dân là một đại sứ"; triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, tỉnh đã tổ chức rất nhiều sự kiện, hoạt động đa dạng, phong phú, trong đó, có một số hoạt động quy mô quốc tế như: Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam lần hai năm 2023; Tuần lễ văn hóa đường phố; Cuộc thi Hoa hậu và Năm Vương siêu mẫu thể hình thế giới;... một số hoạt động quy mô quốc gia như: Buổi diễu hành Mô tô xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam; Lễ hội Diều và xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam; Giải Billiards & Snooker vô địch quốc gia (Vòng 1); Lễ hội cầu ngư, Lễ hội đua thuyền, thúng truyền thống trên sông Cà Ty,... Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh duy trì việc biểu diễn âm nhạc đường phố tại các resort trên địa bàn thành phố Phan Thiết, chương trình Huyền thoại Làng Chài hàng tuần tại Nhà hát Làng Chài để phục vụ du khách trong và ngoài nước,...
Thông qua những sự kiện, hoạt động trên đã góp phần quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về đặc điểm tự nhiên, cảnh đẹp, văn hóa, con người Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng; đồng thời, giới thiệu các thế mạnh của tỉnh nhằm xúc tiến, kêu gọi các hoạt động đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng tạo điều kiện cho các đoàn vào tỉnh để thực hiện các hoạt động nghiên cứu dự án, tìm hiểu cơ hội đầu tư, quay phim, quảng cáo, hỗ trợ giảng dạy ngoại ngữ, hoạt động thiện nguyện, tham qua học tập kinh nghiệm…
Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tiếp tục được tỉnh quan tâm. Trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt tiếp nhận 04 khoản viện trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài với tổng giá trị 3.614.540.000 đồng; 6 tháng đầu năm 2024, phê duyệt tiếp nhận 03 khoản viện trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước với với tổng giá trị 10.249.915.768 đồng. Việc tiếp nhận, quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án được thực hiện đúng theo mục tiêu kế hoạch đề ra, phù hợp với định hướng vận động, thu hút viện trợ, các nguồn vốn ưu đãi nước ngoài của tỉnh.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được triển khai thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 45-CT/TW, ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 28/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài. Hiện nay, người Bình Thuận ở nước ngoài có trên 30.000 người ở 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài về địa phương lưu trú, thăm thân, du lịch, tham gia một số hoạt động đầu tư, kinh doanh, khoa học công nghệ, nhân đạo, từ thiện,... góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà.
Trên lĩnh vực văn hóa, tỉnh luôn quan tậm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn công tác trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa đặc trưng của tỉnh; đã tổ chức nhiều triển lãm ảnh với nhiều tác phẩm có giá trị góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, con người Bình Thuận, chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của ngành; tiếp tục duy trì việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa địa phương trong các chương trình đón tiếp và làm việc với các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh.
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh Bình Thuận cũng gặp phải những khó khăn chung như của cả nước, nhất là về công tác nhân sự, kinh phí thực hiện các hoạt động đối ngoại,... Tỉnh hiện cũng chưa có điều kiện thuận lợi để thành lập hội hữu nghị, từ đó, sự kết nối giữa các hoạt động hữu nghị, hợp tác trong khuôn khổ đối ngoại nhân dân của tỉnh với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất một số giải pháp
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân trong sự nghiệp ngoại giao của nước nhà, nhất là quán triệt sâu sắc về đường lối đối ngoại toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, thời gian tới, công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh Bình Thuận nói riêng, của các nước nói chung, cần quan tâm một số giải pháp như sau:
Một là, tổ chức quán triệt sâu, kỹ nội dung Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới đến cán bộ, đảng viện, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân; nhất là về nội hàm, vị trí, vai trò, tầm quan trọng, nhiệm vụ của công tác đối ngoại nhân dân. Chú trọng đổi mới hình thức phổ biến, quán triệt theo hướng linh hoạt, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung, hiệu quả của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác đối ngoại nhân dân.
Ba là, tăng cường mối quan hệ đối tác đối ngoại nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quan hệ kết nghĩa, hợp tác, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa tỉnh với chính quyền tỉnh, thành phố của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Ưu tiên thúc đẩy các mối quan hệ đối tác, giao lưu nhân dân với các quốc gia Châu Á, nhất là các quốc gia có chung đường biên giới, các quốc gia là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống của Việt Nam theo hướng toàn diện, thực chất, linh hoạt, đi vào chiều sâu trên cơ sở đường lối, chủ trương, định hướng công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước. Chú trọng việc xây dựng và nuôi dưỡng quan hệ hữu nghị trong thế hệ trẻ. Tăng cường, chủ động tham gia các chương trình, hoạt động giao lưu nhân dân, gặp mặt, kỷ niệm,... do Trung ương và các tổ chức có liên quan tổ chức để kết hợp quảng bá, giới thiệu về thế mạnh về kinh tế - xã hội (nhất là du lịch), thiên nhiên, văn hóa, con người,... của tỉnh đến với các tổ chức và bạn bè quốc tế. Tăng cường thực hiện các bản cam kết, hợp tác đã ký kết và tổ chức kết nghĩa, hợp tác với các địa phương, tổ chức nước ngoài.
Bốn là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác vận động phi chính phủ nước ngoài. Chủ động, tranh thủ sự hỗ trợ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam - Cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các cơ quan Trung ương có liên quan để kết nối, kêu gọi, vận động các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài vào các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, quản lý tốt hoạt động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn viện trợ quốc tế. Tăng cường triển khai thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, hoàn thành các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và của tỉnh.
Năm là, làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy vai trò cầu nối của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với các tổ chức trong nước, góp phần thúc đầy mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước. Có giải pháp phù hợp, hiệu quả để kết nối, tập hợp, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về người Bình Thuận ở nước ngoài, nhất là thế hệ kiều bào trẻ và các thân nhân đang sinh sống tại tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, nhất quán về chính sách đại đoàn kết toàn dân của Đảng, Nhà nước; về chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc khuyến khích, tạo điều kiện để các kiều bào hướng về cội nguồn, quê hương, đất nước, đem tài năng, tri tuệ, kinh nghiệm đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại. Chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè, đối tác quốc tế đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và tư duy về thông tin đối ngoại, tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các phương tiện truyền thông mới; khai thác mặt tích cực của mạng xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về các vấn đề quốc tế, về công tác đối ngoại, tăng cường hiểu biết tích cực của nhân dân các nước về Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng và quan hệ của Việt Nam với các nước.
Bảy là, thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, tham gia đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong việc đấu tranh phản bác với các luận điệu sai trái, xuyên tạc, gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích quốc gia - dân tộc tại các hội nghị, diễn đàn song phương, đa phương và trên không gian mạng với phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ”.
Thời gian tới, hòa bình và hợp tác tiếp tục là xu thế chung của thế giới, là khát vọng của mỗi quốc gia. Quá trình đó, thông qua công tác đối ngoại nhân dân, mỗi người dân Việt Nam, bằng những hành động thiết thực, có ý nghĩa, hãy trở thành một “đại sứ”, giúp giới thiệu đến thế giới về đất nước, con người Việt Nam, xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, thực hiện khát vọng về một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Đinh Phi Pha - Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận