Kết quả 7 tháng thực hiện chủ đề năm 2024 của Tỉnh ủy “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”

Triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; ngày 09/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI giai đoạn 2021 - 2025. Qua 03 năm triển khai thực hiện, kết quả đánh giá các chỉ số của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2023:

Biểu đồ: Kết quả đánh giá sự công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, số liệu tính đến ngày 10/7/2024)

Để cải thiện, nâng cao các chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021 - 2025; ngày 04/12/2023, Tỉnh ủy có Nghị quyết số 15-NQ/TU về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; theo đó, thống nhất chọn chủ đề năm 2024 là Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”.

Thực hiện chủ đề năm 2024 của Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 497/KH-UBND ngày 07/02/2024 về nâng cao năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và cải thiện các chỉ số PAR, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh Bình Thuận trong năm 2024 với mục tiêu là tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chủ đề năm 2024 của Tỉnh ủy, hướng đến trong năm 2024: Chỉ số PAR, chỉ số SIPAS, chỉ số PCI của tỉnh tăng 10 bậc so với kết quả xếp hạng năm 2023 của Trung ương; chỉ số PAPI của tỉnh duy trì nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu theo kết quả xếp hạng của Trung ương. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đất đai đối với các dự án đã kéo dài nhiều năm, các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; tiếp tục cải thiện khả năng tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp. Ủy quyền quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư cho cấp huyện. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận. Tổ chức thành công Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết hợp xúc tiến, kêu gọi đầu tư tỉnh Bình Thuận (06 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư cho 08 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.121,7 tỷ đồng); triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; nhất là ưu tiên bố trí vốn để hỗ trợ triển khai tổ chức hội nghị dự báo kinh tế, các khóa tập huấn pháp luật và các chương trình đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Thường xuyên nắm bắt và chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Đỗ Thái Dương - Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình khắc phục các chỉ số PAR, SIPAS, PAPI, PCI năm 2023; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện các Chỉ số trong thời gian đến.

Kết quả khắc phục, cải thiện các chỉ số PAR, SIPAS, PAPI trong 7 tháng đầu năm 2024: (1) Công tác công bố, công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công đạt 72,0% (tỉnh, thành đạt điểm cao nhất là 83,1%; điểm đạt trung bình cả nước là 61,1%); (2) Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý đúng và trước hẹn đạt 88,9% (tỉnh, thành đạt tỷ lệ cao nhất là 98,7%; tỷ lệ trung bình cả nước là 90,2%); (3) Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến đạt 38,2% (tỉnh, thành đạt tỷ lệ cao nhất là 84,2%; tỷ lệ trung bình cả nước là 50,3%); (4) Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính trực tuyến đạt 40,9% (tỉnh, thành đạt tỷ lệ cao nhất là 94,5%; tỷ lệ trung bình cả nước là 45,3%). Mặc dù tỷ lệ đạt được vẫn còn thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước nhưng đã ghi nhận sự chuyển biến rất tích cực, các giải pháp đề ra đã phát huy được hiệu quả.

Để thực hiện đạt mục tiêu chủ đề năm 2024 của Tỉnh ủy; tỉnh đề ra một số nội dung và giải pháp cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện:

Thứ nhất: Tăng cường công khai theo quy định, nhất là công khai trên Cổng Thông tin điện tử về quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, danh mục các dự án, lĩnh vực cần thu hút đầu tư…; duy trì chương trình làm việc hằng tháng giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Khẩn trương kiện toàn Hội đồng thẩm định giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác tham mưu ban hành quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính; chủ động cập nhật các thủ tục hành chính ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế tại các Luật, Nghị định; kịp thời công bố công khai đầy đủ quy định về thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, gắn với niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Thứ hai: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; khắc phục tình trạng thủ tục hành chính chưa đồng bộ giữa hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử; gắn với xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử; tập trung giải quyết hồ sơ hành chính đúng thời gian. Nhân rộng Mô hình “Công dân không viết” trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh và mô hình “Hỗ trợ tổ chức, cá nhân hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến tại bộ phận một cửa các cấp”; nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến và thanh toán nghĩa vụ tài chính trực tuyến.

Thứ ba: Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo nghiên cứu kỹ các chỉ tiêu, thông số, phương pháp tính, đối tượng lấy ý kiến đánh giá các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI, đề ra các giải pháp cụ thể hơn nữa, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện có hiệu quả và góp phần nâng cao thứ hạng các chỉ số như mục tiêu đã đề ra. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cán bộ, nhất là công tác cán bộ ở các bộ phân, các cơ quan có liên quan; chú trọng công tác tư tưởng và bổ sung nhân lực cho các cơ quan, bộ phận trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ tư: Các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; trong đó phải xác định nhiệm vụ nâng cao, cải thiện các chỉ số PAR, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Thứ năm: Thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hóa các hồ sơ, giấy tờ quy định của thủ tục hành chính./.


Các tin khác