Để có cơ sở đánh giá việc ứng dụng CNTT của các cơ quan, hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các quyết định trong đó có các tiêu chí cụ thể, thường xuyên cập nhật những thông tin mới về CNTT để các cơ quan nghiên cứu áp dụng.
Trên cơ sở đó, các cơ quan bám sát và thực hiện nghiêm theo các quy định về đánh giá kết quả ứng dụng công nghệ thông tin bám theo nguyên tắc là đảm bảo tính chính xác, minh bạch, khách quan, công khai và công bằng trong việc đánh giá, xếp hạng; phản ánh đúng tình hình thực tế kết quả ứng dụng CNTT cụ thể của từng cơ quan; quá trình đánh giá, xếp hạng phải tuân thủ các tiêu chí đánh giá. Tiêu chí đánh giá kết quả ứng dụng CNTT bao gồm: Môi trường tổ chức chính sách; nguồn nhân lực CNTT; ứng dụng CNTT; hạ tầng Hệ thống.
Được sự quan tâm của Thường trực Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp, và lãnh đạo các địa phương, đơn vị cùng với sự nổ lực của toàn thể cán bộ, công chức của các cơ quan, việc đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; nổi bật là giúp phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan; giúp cấp ủy, lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, phát hiện những sai sót để khắc phục kịp thời trong việc ứng dụng CNTT; giúp phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong việc phát triển và ứng dụng CNTT trong hoạt động nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng các cơ quan, đơn vị điển hình, cá nhân tiêu biểu trong việc ứng dụng CNTT.
Năm 2012, là năm đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 509-QĐ/TU, ngày 16/3/2012, về Quy định về đánh giá kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh, đã có quy định mang tính pháp lý, 24 đơn vị triển khai thực hiện, kết quả có 10 đơn vị xếp hạng khá về ứng dụng CNTT, có 6 đơn vị xếp hạng trung bình về ứng dụng CNTT, có 2 đơn vị xếp hạng yếu về ứng dụng CNTT và có 6 đơn vị không xếp hạng.
Đến năm 2022, có 21/25 đơn vị xếp hạng tốt về ứng dụng CNTT, có 4/25 đơn vị xếp hạng khá về ứng dụng CNTT, không có đơn vị xếp hạng trung bình về ứng dụng CNTT. Tổng số đơn vị được xếp loại khá, giỏi tăng dần theo từng năm, mỗi năm đều tăng từ 20 % đến 50% so với năm trước đó và nhất là năm 2022, đơn vị loại giỏi tăng 210 lần so với năm đầu tiên 2012 và không có đơn vị nào là đơn vị trung bình, yếu và không xếp hạng. Nâng lên tổng số đơn vị xếp hạng giỏi khoảng 84% so với tổng số đơn vị tham gia xếp hạng trong năm 2022.
Đến năm 2023, có 25/25 đơn vị xếp hạng tốt về ứng dụng CNTT, không có đơn vị xếp hạng trung bình về ứng dụng CNTT. Tổng số đơn vị được xếp loại khá, giỏi tăng dần theo từng năm, mỗi năm đều tăng từ 20 % đến 50% so với năm trước đó và nhất là năm 2023, đơn vị loại giỏi tăng 210 lần so với năm đầu tiên 2012. Nâng lên tổng số đơn vị xếp hạng giỏi khoảng 100% so với tổng số đơn vị tham gia xếp hạng.
Qua kết quả trên, cho thấy việc đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin đi vào hoạt động quy cũ hơn, ngày càng giúp cho cấp ủy các cấp và lãnh đạo các địa phương, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan.
Qua việc đánh giá CNTT, kết quả đạt được là Nhóm tiêu chí “Văn bản chỉ đạo điều hành” hầu hết các đơn vị đều thực hiện tốt các chỉ tiêu đánh giá như: Kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT hàng năm; mức độ thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT; báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về ứng dụng và phát triển CNTT; văn bản chỉ đạo theo chuyên đề: Đầu tư, đào tạo, cập nhật thông tin, phát triển phần mềm; phân công lãnh đạo phụ trách CNTT; triển khai về ứng dụng và phát triển CNTT theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy. Các cơ quan, đơn vị đã rà soát các văn bản chỉ đạo về công nghệ thông tin, cụ thể: Quy định về gửi, nhận văn bản qua mạng; Quy chế, quy định về việc viết và cập nhật tin, bài trên Trang Thông tin điện tử của Tỉnh ủy; Quy định về quản lý và sử dụng chữ ký số trong việc gửi nhận và sử dụng văn bản điện tử trong các cơ quan Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Quyết định Thành lập Tổ Biên tập tin bài, cập nhật thông tin lên Trang thông tin điện tử của đơn vị; Ban hành Quy chế hoạt động của Tổ Biên tập tin bài. Nhóm tiêu chí “Nguồn nhân lực CNTT” Các đơn vị đều có cán bộ phụ trách CNTT trong đó trình độ Thạc sĩ : 02 đồng chí, Đại học : 19 đồng chí, Cao đẳng: 03 đồng chí (Huyện ủy Phú Quý, Thị ủy La Gi, Liên đoàn Lao động), Trung cấp: 01 đồng chí. Các cơ quan, đơn vị đều cử cán bộ phụ trách CNTT tham gia các lớp đào tạo CNTT do Tỉnh tổ chức. Cán bộ quản trị mạng của các cơ quan (Hội Cựu chiến binh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Thành ủy Phan Thiết) còn kiêm nhiệm nên cũng hạn chế trong việc tham mưu triển khai và phát triển các ứng dụng CNTT. Nhóm tiêu chí “Ứng dụng CNTT” hầu hết các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các tiêu chí đánh giá cụ thể là sử dụng các phần mềm trong công việc chuyên môn, Sử dụng phần mềm Hệ thông tin điều hành tác nghiệp Lotus Notes 8.5 giao diện web; ứng dụng chữ ký số; sử dụng Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh; sử dụng phần mềm gửi nhận văn bản trên Internet của Tỉnh ủy Bình Thuận. Nhóm tiêu chí “Hạ tầng Hệ thống” hầu hết các cơ quan, đơn vị (Văn phòng Tỉnh ủy, Báo Bình Thuận, Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh) đều có hệ thống máy chủ hoạt động ổn định, có tiến hành cài đặt và định kỳ sao lưu dữ liệu. Các trang thiết bị công nghệ thông tin đều được kiểm tra an ninh, an toàn thông tin trước khi đưa vào sử dụng. Một số cơ quan, đơn vị có phần mềm diệt virus có bản quyền trong mạng nội bộ theo mô hình máy chủ - máy trạm.
Nhìn chung, thực hiện quy trình xử lý văn bản hoàn toàn khép kín trong mạng nội bộ được nhiều đơn vị quan tâm thực hiện (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng uỷ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Huyện ủy Phú Quý, Báo Bình Thuận); sử dụng phần mềm Hệ thông tin điều hành tác nghiệp Lotus Notes 8.5 giao diện Web: việc sử dụng phần mềm đạt tỷ lệ 85%; tổng số văn bản đến được số hóa, cập nhật đầy đủ trường vào phần mềm đạt tỷ lệ 85%; tổng số văn bản đi cập nhật đầy đủ trường vào phần mềm đạt tỷ lệ 85%; phát hành văn bản đi trong ngày đạt tỷ lệ 80%; lãnh đạo và công chức có trao đổi thông tin trên mạng diện rộng trong công việc. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo mạnh mẽ việc nâng cao tỷ lệ số hóa văn bản (bình quân tỷ lệ số hóa văn bản đến đạt trên 80%, số hóa văn bản đi đạt 80% trừ tài liệu mật). Về ứng dụng chữ ký số, tổng số lãnh đạo được cấp chứng thư số của đơn vị thực hiện ký số đạt tỷ lệ 85%; Tổng số văn bản ký số đúng thời gian được phát hành đạt tỷ lệ 85%; văn bản có chữ ký số của cá nhân, đơn vị đúng theo mẫu Quy định số 449-QĐ/TU, ngày 27/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. Về sử dụng Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh, đơn vị cập nhật đầy đủ tin, bài và thông tin, có chỉnh sửa giao diện, mật khẩu người sử dụng được đặt theo đúng quy chuẩn bảo mật tài khoản. Về sử dụng Phần mềm gửi nhận văn bản trên Internet của Tỉnh ủy Bình Thuận, cơ quan, đơn vị và lãnh đạo cơ quan, đơn vị đăng nhập vào phần mềm để xem văn bản tổng thể 11 tháng luôn đạt tỷ lệ từ 90% trở lên, có đơn vị đạt 100%. Các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm bố trí phòng họp trực tuyến và phân công cán bộ công nghệ thông tin kiểm tra đường truyền, âm thanh, hình ảnh trước và trong khi tổ chức hội nghị trực tuyến; sự cố xảy ra (mất kết nối, không có âm thanh, hình ảnh,…) đạt tỷ lệ thấp khoảng 5% trong quá trình vận hành hội nghị. Sử dụng các phần mềm trong công việc chuyên môn: Cán bộ, công chức sử dụng thành thạo CNTT theo Chuẩn kỹ năng căn bản và Hệ thống thông tin chuyên ngành của cơ quan, đơn vị. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin: Máy tính cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền với tỷ lệ cao; sử dụng thiết bị lưu trữ DC02, DC02MB hoặc các thiết bị USB an toàn, hiệu quả; kiểm tra an ninh, an toàn thông tin thiết bị CNTT trước khi đưa vào sử dụng; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã cài đặt phần mềm USB an toàn của Bộ Tư lệnh 86 trong quá trình sử dụng USB thương mại được thuận lợi, không ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế, tồn tại cụ thể là: Việc thực hiện quy trình xử lý văn bản hoàn toàn khép kín còn chậm, nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện quy trình xử lý văn bản trên mạng chưa khép kín, chỉ dừng lại ở bộ phận Văn thư. Một vài cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức việc thực hiện chữ ký số, chưa tăng cường tối đa sử dụng Hệ thông tin điều hành tác nghiệp Lotus Notes giao diện web có tích hợp giải pháp bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ. Sử dụng Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh và Phần mềm gửi nhận văn bản trên Internet của Tỉnh ủy Bình Thuận: Cần quan tâm thêm việc thay đổi mật khẩu theo định kỳ và không lưu mật khẩu trên website đăng nhập; các tài khoản người sử dụng đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu nên chú ý việc xóa tài khoản. Sử dụng Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của Tỉnh ủy: Do thời gian kiểm tra đường truyền đôi khi trùng hợp với lịch họp của đơn vị nên phòng họp trực tuyến không thể sử dụng để kiểm tra được; có một số ít hội nghị cán bộ công nghệ thông tin chưa được bố trí tham gia trực trong khi hội nghị trực tuyến diễn ra, nên có khó khăn cho người chủ trì/người phát biểu và nhất là chỉnh camera gần sát người phát biểu để tất cả điểm cầu có thể nhìn thấy, cũng như chỉnh âm thanh trong phòng họp. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin: Có cơ quan, đơn vị chưa quan tâm kiểm tra, giám sát việc máy tính truy cập đồng thời mạng diện rộng và mạng internet. Nhiều đơn vị có cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền, nhưng máy tính không truy cập internet, do đó không cập nhật được phiên bản phần mềm mới nhất. Chưa triển khai cài đặt phần mềm USB an toàn do Bộ Tư lệnh 86 cung cấp cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sử dụng USB thương mại, đảm bảo an toàn thông tin.
Để việc đánh giá ứng dụng CNTT trong các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy, Báo Bình Thuận, Trường Chính trị tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh ngày càng hiệu quả góp phần đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như sau:
Đầu tiên là giải pháp về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương: Chủ động nghiên cứu, thực hiện đầy đủ các quy định về ứng dụng CNTT; cuối năm, thực hiện tự đánh giá, xếp loại kết quả ứng dụng CNTT, chính xác và kịp thời theo đúng quy định này; chuẩn bị chu đáo hồ sơ, tạo điều kiện để Tổ Thẩm định hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tiếp theo, trách nhiệm của Văn phòng Tỉnh ủy: Căn cứ các quy định của Trung ương, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định thực hiện CNTT hàng năm; ban hành quyết định thành lập Tổ Thẩm định, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát Tổ Thẩm định thực hiện tốt nhiệm vụ theo Quy định này; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt kết quả đánh giá, xếp loại ứng dụng CNTT bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả; chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều chỉnh, bổ sung kịp thời các tiêu chí đánh giá, xếp hạng kết quả ứng dụng CNTT phù hợp với sự phát triển về công nghệ, yêu cầu của từng giai đoạn phát triển và nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương; phân thành 03 bảng đánh giá, một bảng dành cho Văn phòng Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động, Báo Bình Thuận và Trường Chính trị tỉnh, một bảng dành cho các ban của Tỉnh ủy và một bảng dành cho Hội Cựu Chiến binh tỉnh; xếp hạng ứng dụng CNTT của đơn vị từ tốt đến khá, trung bình và yếu cách nhau 50 điểm cho mỗi bậc. Tiếp đến là các cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có tiêu chí bị đánh giá, xếp loại không đạt (0 điểm) thì hạ một bậc xếp loại; nếu gửi báo cáo kết quả và tự đánh giá xếp loại trễ từ 5 ngày trở lên (hoặc không gửi báo báo cáo kết quả kèm theo phiếu đánh giá) thì không xếp loại Tốt; Các cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu số lượng tin, bài trên Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh (thiếu từ 3 tháng trở lên) thì bị xếp loại yếu; các cơ quan để xảy ra trường hợp sử dụng máy tính trong mạng diện rộng của Đảng truy cập mạng internet hoặc truy cập đồng thời mạng diện rộng của Đảng và mạng internet thì bị xếp loại yếu.
Cuối cùng là tăng cường nhóm điểm thưởng để tăng số điểm cho các cơ quan, đơn vị cụ thể là: Đối với các cơ quan thường xuyên cập nhật, đổi mới giao diện Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị nhân các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của địa phương, đất nước: cộng 5 điểm; đối với các cơ quan có lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên thực hiện việc ký số văn bản điện tử: cộng 5 điểm/01 lãnh đạo; thực hiện quy trình xử lý văn bản hoàn toàn khép kín trong mạng nội bộ: cộng 20 điểm; phần mềm tự xây dựng có hiệu quả trong tác nghiệp hàng ngày, cộng 5 điểm/phần mềm; kinh phí đầu tư cho hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ và đào tạo về công nghệ thông tin trong năm:Tổng kinh phí đạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng: cộng 5 điểm. Tổng kinh phí trên 100 triệu đồng: cộng 10 điểm; Cán bộ CNTT có các chứng chỉ quốc tế về an ninh mạng, lập trình ứng dụng (CCNA, CCNP, CCIE, MCSA, CEH…): cộng 5 điểm. Sử dụng máy chủ chia sẻ dữ liệu dùng chung: cộng 5 điểm. Đơn vị nào có tổng số lượng tin, bài trong năm cập nhật lên Cổng thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh: Vượt từ 50% trở lên so với tổng số lượng tin, bài được giao trong năm: cộng 10 điểm. Cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền theo mô hình Server-Client: cộng 10 điểm. Thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo đảm an ninh an toàn hệ thống Web server và các phần mềm ứng dụng: cộng 10 điểm. Các cơ quan có sử dụng các giải pháp (phần cứng, phần mềm) để tổ chức các cuộc họp trực tuyến (không tính sử dụng giải pháp do Tỉnh ủy đầu tư): cộng 10 điểm. Cuối cùng là bổ sung nhiều tiêu chí vào nhóm Ứng dụng CNTT để tăng số điểm, đa dạng hình thức đánh giá, cụ thể là : Sử dụng các phần mềm trong công việc chuyên môn; thư điện tử; sử dụng phần mềm Hệ thông tin điều hành tác nghiệp Lotus Notes 8.5 trên giao diện website/ sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý và điều hành trực tuyến của Báo Bình Thuận (quanly.baobinhthuan.com.vn) / sử dụng phần mềm Hệ thông tin điều hành của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ứng dụng chữ ký số; sử dụng Cổng Thông tin điện tử của Tỉnh ủy Bình Thuận; sử dụng Phần mềm gửi nhận văn bản của Tỉnh ủy Bình Thuận trên internet; số hóa văn bản.
Với những giải pháp cụ thể nêu trên, các cơ quan nghiên cứu kỹ, triển khai thực hiện đúng qui định, góp phần cùng với tỉnh nhà thực hiện việc ứng dụng CNTT trong các khâu công việc đạt kết quả, chất lượng, hiệu quả cao hơn.