Phối hợp chỉ đạo quản lý tàu cá hoạt động nghề giã cào bay trên vùng biển tỉnh Bình Thuận

UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Công văn số 1556 /UBND-KT về việc phối hợp chỉ đạo quản lý tàu cá hoạt động nghề lưới kéo (giã cào bay) trên vùng biển tỉnh Bình Thuận.

Trong những năm qua, tàu cá hành nghề lưới kéo (giã cào bay) từ nhiều tỉnh (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang) hoạt động trên ngư trường Bình Thuận thường xuyên vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: Hoạt động sai tuyến, tranh chấp ngư trường tuyến bờ và tuyến lộng trong khu vực làm nghề đánh bắt truyền thống của ngư dân địa phương (như lưới rê, lưới cước, mành chà, rập, bẩy ốc,...) làm hư hỏng, mất mát ngư lưới cụ, thậm chí kéo chìm tàu, gây thương tích cho ngư dân trong tỉnh. Từ đó, đã gây mâu thuẫn, bức xúc, xung đột trên biển; nhiều ngư dân biểu thị sự bất bình, phản ứng gay gắt, chất vấn, kiến nghị HĐND các cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xử lý nạn giã cào bay sai tuyến; một số địa phương vùng biển đã xảy ra tình trạng tụ tập đông người, phản đối nghề giã cào bay tại các cơ quan, trụ sở công quyền, gây mất trật tự trị an, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền vùng biển. Đặc biệt, theo báo cáo của lực lượng chức năng, nhiều tàu cá công suất lớn ngoài tỉnh hành nghề giã cào vi phạm quy định đã có hành vi manh động, chống đối quyết liệt, sử dụng các phương tiện gây nguy hiểm, thương tích cho lực lượng thi hành công vụ.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền để quản lý, hạn chế các tác động tiêu cực của nghề lưới kéo (gồm giã cào bay) gây mâu thuẫn, xung đột nghề nghiệp trên biển gắn với việc tái cơ cấu, tổ chức lại hoạt động khai thác, tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần ổn định đời sống cộng đồng ngư dân. UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo (giã cào) trên vùng biển tỉnh Bình Thuận (tại các Quyết định số 61/2015/QĐ-UBND ngày 11/11/2015 và Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND ngày 21/3/2018). Theo đó, cấm có thời hạn đối với nghề lưới kéo (giã cào bay) từ 01/4 đến 31/7 hàng năm trên vùng biển tỉnh Bình Thuận; không cấp mới giấy phép khai thác nghề lưới kéo; không cho phép tàu cá đang hoạt động các nghề khác chuyển sang nghề lưới kéo dưới mọi hình thức; không cấp phép đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo (đơn, đôi); đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng Đề án chuyến đổi các ngành nghề khai thác tác động tiêu cực đến môi trường và nguồn lợi thủy sản (bao gồm nghề lưới kéo) theo tinh thần Luật Thủy sản năm 2017.

Để tăng cường quản lý lực lượng khai thác từ các tỉnh đến đánh bắt tại ngư trường Bình Thuận, đặc biệt là thuyền nghề lưới kéo (giã cào bay), UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị UBND các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang chỉ đạo cơ quan quản lý nghề cá của tỉnh tổ chức phổ biến rộng rãi trong ngư dân Quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo (giã cào) trên vùng biển tỉnh Bình Thuận để chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá làm nghê lưới kéo (giã cào bay) biết và chấp hành quy định không được phép khai thác hải sản trên vùng biển tỉnh Bình Thuận trong thời gian cấm từ 01/4 đến 31/7 hàng năm. Các lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận sẽ xử lý nghiêm khắc tàu cá vi phạm, áp dụng mức phạt cao nhất theo khung xử phạt vi phạm hành chính, các hình thức xử phạt bổ sung theo quy định; những trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng, các cơ quan chức năng xem xét tính chất, mức độ vi phạm đề nghị truy tố theo pháp luật về hình sự. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nghề cá của tỉnh phối họp với cơ quan quản lý nghề cá tỉnh Bình Thuận thực hiện việc trao đổi, cung cấp thông tin tàu cá của địa phương hoạt động trên ngư trường Bình Thuận; nắm bắt thông tin tàu cá vi phạm quy định khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bị các cơ quan chức năng Bình Thuận xử lý, đặc biệt là các trường hợp tàu cá vi phạm có hành vi manh động, đe dọa, chống đối, gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng thực thi pháp luật trên biển để có biện pháp giáo dục, cảnh cáo và xử lý theo quy định của pháp luật.


Các tin khác