Đồng chí Đào Ngọc Dung Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về thăm và làm việc với tỉnh Bình Thuận

Sáng ngày 12/4/2018, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm làm trưởng Đoàn công tác đã về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận.

Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Báo cáo với Đoàn công tác, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2017 vừa qua, Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu thực hiện hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, nổi rõ nhất là các chỉ tiêu về giải quyết việc làm, giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, tri ân và chăm lo các đối tượng và gia đình có công với cách mạng bằng nhiều hoạt động thiết thực; công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề tiếp tục được đẩy mạnh, chất lượng không ngừng nâng lên; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người lao  động và người sử dụng lao động được triển khai thường xuyên bằng nhiều hình thức; công tác cải cách thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai có hiệu quả, không có hồ sơ trễ hẹn. Cụ thể, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 24.360/24.000 lao động (vượt 1,5% kế hoạch), tuyển sinh và đào tạo nghề cho 11.314/10.000 người (vượt 13,14% kế hoạch), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,1%; giảm 1,06% hộ nghèo, đạt chỉ tiêu được giao...

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề chưa có nhiều chuyển biến, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội; số học sinh, sinh viên ra trường chưa có việc làm còn nhiều; kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên, bộ đội xuất ngũ theo Thông tư 43/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đến nay chưa được cấp. Công tác tư vấn, giải quyết việc làm và thông tin thị trường lao động chưa đáp ứng nhu cầu; công tác giảm nghèo chưa bền vững, số hộ tái nghèo, phát sinh hàng năm còn cao; xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn. Tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn hạn chế; cơ sở vật chất ở xã, phường, thị trấn chưa đảm bảo cho việc điều trị, cắt cơn, giải độc. Tình trạng trẻ em bị đuối nước, bị xâm hại tình dục chưa được khắc phục, ngăn chặn kịp thời.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Những năm qua, công tác Lao động – Thương binh và Xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh quan tâm triển khai; định kỳ hàng tháng, hàng năm Ngành đều đánh giá kết qủa thực hiện, qua đó xác định nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường xử lý các vấn đề phát sinh nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách cho người có công với cách mạng, tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với thanh niên xung phong, Mẹ Việt Nam anh hùng, thờ cúng liệt sỹ gắn với xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Bình Thuận trong việc thực hiện chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo góp phần tạo thêm nhiều niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Bình Thuận cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung: 

Trong lĩnh vực người có công, phải thực sự coi đây là sự tri ân, tình cảm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân đối với những cống hiến của những người có công với cách mạng; việc thực hiện chính sách phải bảo đảm đúng đối tượng; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Đối với các hồ sơ mẹ VNAH do còn tranh chấp trong nội bộ gia đình thì kịp thời vận động, tìm nguyên nhân để xem xét và giải quyết cho từng trường hợp cụ thể; trong đó, cán bộ làm công tác lao động - xã hội cấp xã, phường, thị trấn phải đứng ra làm đầu mối tham mưu giải quyết; các hồ sơ đã đầy đủ thủ tục rồi thì phải tập trung giải quyết kịp thời. Đối với các hồ sơ tù đày, hồ sơ thanh niên xung phong, hồ sơ liệt sỹ còn tồn đọng trong dân thì nên tăng cường công khai cho người dân biết và giải quyết cụ thể, chu đáo. Tiếp tục quan tâm đến công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt chú ý đến sinh kế để người dân thoát nghèo thực chất; làm tốt công tác đào tạo nghề, trong đó chú trọng dự báo được nhu cầu sử dụng lao động để sau khi đào tạo các đối tượng có việc làm. Đối với trẻ em, tỉnh cần tập trung giải quyết các vấn đề về phòng chống đuối nước, xâm hại tình dục. Trong phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình, không để gia tăng số lượng, tính chất, mức độ vi phạm, đồng thời có phương pháp quản lý hiệu quả các đối tượng sử dụng ma túy, số có tiền án, tiền sự.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của Bình Thuận, Bộ trưởng cũng đồng ý và đề nghị tỉnh chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục liên quan các nội dung để Bộ hỗ trợ như: thực hiện việc mã số hóa hồ sơ; kinh phí xây dựng, sửa chữa nâng cấp nghĩa trang, mộ liệt sĩ; kinh phí thực hiện các mô hình giảm nghèo; kinh phí đầu tư xây dựng Trung tâm người có công...

Cũng trong sáng 12/4/2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng Đoành công tác đã đến thăm Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT