Một số kết quả đạt được về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022

Năm 2022, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, tỉnh Bình Thuận tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát và hạn chế tác động của dịch bệnh, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra.

Đồng chí Phan Văn Đăng - UVBTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm việc với Đoàn Giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016 – 2021

Năm 2022, tổ chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách Nhà nước theo đúng dự toán được giao; thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu nước ngoài, hạn chế tối đa các khoản chi liên hoan, mời cơm, tiếp khách, tặng quà và các khoản chi khác không cần thiết, không hiệu quả. Quản lý các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản mua sắm, sửa chữa chặt chẽ theo quy định. Không bố trí kinh phí chi thường xuyên đối với các nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng theo quy định; tiếp tục tiết kiệm 10% chi thường xuyên với tổng số tiền là 85.643 triệu đồng.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công được tập trung chỉ đạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bám sát Nghị quyết số 53, 54/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh Bình Thuận, ngay từ đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng đề ra; tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả các dự án quan trọng, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đến ngày 31/01/2023 của khối tỉnh đạt 98,5% kế hoạch, của các huyện, thị xã, thành phố phấn đấu giải ngân 100% theo kế hoạch được giao.

Thông qua công tác thẩm tra, thẩm định, đã thực hiện tiết kiệm được 39.712 triệu đồng do cắt giảm các hạng mục không cần thiết; qua công tác phê duyệt quyết toán, tiết kiệm được 16.239 triệu đồng đối với các khoản chi không đúng chế độ, chưa đảm bảo các hồ sơ, chứng từ theo quy định; thông qua phương thức mua sắm tập trung, hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng, đã giảm chênh lệch 2.164 triệu đồng qua thẩm định giá gói thầu mua sắm. Qua kết quả thanh tra, kiểm tra đã phát hiện tài sản bị lãng phí, sử dụng sai chế độ là 6.341 triệu đồng; vi phạm xử lý, thu hồi là 5.656 triệu đồng.

Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ được triển khai thực hiện nghiêm túc. Tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian; cắt giảm biên chế hành chính vượt so với Trung ương giao từ những năm trước đây, vừa thực hiện cắt giảm 10% theo lộ trình quy định của Trung ương tại Kết luận số 64-KL/TW, Nghị quyết số 39-NQ/TW; sắp xếp, giảm tối đa các Ban Quản lý dự án, các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, thiết nghị cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tổ chức và các tầng lớp nhân dân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các hình thức đa dạng. Tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ba là, tăng cường công tác quản lý ngân sách nhà nước. Thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng quy định; quản lý chặt chẽ đầu tư công, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công; phân bổ nguồn vốn đầu tư công phù hợp; rà soát, sắp xếp danh mục các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên, bố trí vốn đầu tư tập trung, tránh dàn trải. Quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý lao động, thời gian lao động.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, chú trọng thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao, công khai thông tin về công nợ và các nội dung đầu tư công; công khai hành vi lãng phí, kết quả xử lý hành vi lãng phí theo quy định.

Năm là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực trọng điểm như: Quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên, khoáng sản; tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ; quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, trang thiết bị làm việc…Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra lãng phí. Đồng thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030. Từng bước đổi mới lề lối phương thức làm việc  thông qua việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT